Đó là câu hỏi mà chưa biết ai sẽ trả lời của chị Bình Mai ở Tân Định- TPHCM - một công nhân mất việc 3 tháng nay, hai vợ chồng gần như không có thu nhập. Vừa rồi, may mắn là gia đình chị nhận khoản trợ cấp 1,5 triệu đồng. Khoản tiền vừa cầm tới tay thì nhanh chóng biến mất như bốc hơi vì trăm thứ tiền phải trả: tiền nợ, tiền trọ, tiền ăn, tiền điện, tiền nước…
“Tôi có hai con, sắp khai trường đến nơi mà không biết là có đi học được không vì không có tiền đóng học phí. Rồi tiền xây dựng, rồi tiền đóng cho quỹ Hội phụ huynh. Bây giờ ăn còn chẳng đủ…”- chị Mai nói.
Có bao nhiêu gia đình như chị Mai ở khu vực đang phải thực hiện các quy định về chống dịch? Có bao nhiêu em nhỏ có nguy cơ không thể đến trường vì bố mẹ không lo nổi học phí?
Năm nay TPHCM không tăng học phí, giữ như mức năm ngoái để thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GĐ-ĐT. Chỉ đạo ấy, cụ thể là “đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh COVID-19”.
Giữ học phí ổn định nhưng đời sống người dân không ổn định. Hiện chỉ có một số địa phương, chẳng hạn như Đà Nẵng công bố hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 với tổng số tiền hơn 87 tỉ đồng.
Người dân ở vùng thực hiện Chỉ thị 16 đã nhận hàng loạt các giải pháp miễn giảm: giảm giá điện, giá nước, giá xăng dầu, giá viễn thông. Nhưng rất nhiều nơi, học phí và các khoản đóng góp đầu năm học thì chưa thấy miễn, hoặc giảm.
Đối với trường công lập, mức học phí một tháng không nhiều nhưng chỉ vài chục ngàn/ tháng vẫn là gánh nặng. Chưa kể các khoản khác như: sách giáo khoa, thu xây dựng trường và đặc biệt là quỹ Hội phụ huynh…
Bởi thế chỉ đạo của Bộ “giữ nguyên” mức trần học phí như năm học trước là không đủ. Phải là miễn hẳn, hoặc ít nhất là giãn nộp đến cuối năm học đối với địa phương ở vùng có dịch. Nhất là cắt ngay các khoản “phụ phí” nhưng ở mức cao như tiền xây dựng, tiền quỹ Hội phụ huynh.
Bất kể vì lý do gì cũng không thể để trẻ em thất học. Khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, thầy Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra tuyên ngôn về chữ “Thật”: Học thật, thi thật, nhân tài thật và coi đó là giá trị cơ bản trong hành động vì nền giáo dục thực chất.
Liên quan đến các khoản thu đầu năm học thì Bộ cần có chỉ đạo quyết liệt hơn để thêm những chữ thật: quan tâm thật, hỗ trợ thật.
Miễn học phí và cắt hoàn toàn các phụ phí, các loại quỹ ở nơi có dịch, tại sao không?