Thời tiết mưa ẩm, cần thận trọng kẻo côn trùng làm tổ trong quần áo.
Côn trùng làm tổ trong quần áo
Mấy ngày mưa kéo dài, quần áo trong nhà giặt xong không khô, chị Lê Mỹ Hiền (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cứ dồn đống lại để đó. Sau 3 ngày chị lên thu dọn quần áo thì phát hiện ở một số đồ phơi có bám dính những viên nhỏ hình tròn xếp thành cụm, trông giống như trứng của một loài côn trùng nào đó.
Chị gỡ bỏ những chùm trứng này và cất quần áo vào tủ. Khi lấy quần áo ra mặc, người chị bị nổi những nốt mần ngứa rất khó chịu, phải mua thuốc về chữa trị. Chị buộc lòng phải đem toàn bộ số quần áo đi giặt khô để khử hết những vết tích của trứng côn trùng còn sót lại.
Trao đổi với KH&ĐS, GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, loại côn trùng đẻ trứng trên quần áo hình thành chùm tròn tròn là trứng của bọ xít hại nhãn rất phổ biến ở Việt Nam. Đây là loại bọ xít trong họ Tessaratomidae và loài này thường hay đậu vào quần áo phơi ngoài sân, gần nơi trồng cây cối, và đẻ trứng dính chặt lên đó.
Những tổ trứng xếp liền nhau thành cụm, nhựa của chúng có thể gây viêm loét da, nếu không cẩn thận dính vào mắt có thể ảnh hưởng đến thị lực. Trứng côn trùng bám vào quần áo sẽ rất dễ làm tổn thương da nếu cọ sát khi mặc. Khi rút quần áo vào nhớ kiểm tra kỹ xem có dính trứng bọ xít hay không.
Theo các chuyên gia, vào những ngày mưa ẩm, để quần áo nhanh khô hơn có thể phơi cùng với những chiếc khăn bông khô. Quần áo ướt ít và ướt nhiều phải được phơi cách xa nhau. Điều kiện ẩm ướt kéo dài chính là yếu tố có lợi cho các vi khuẩn và nấm mốc gây hại trên quần áo phát triển.
Trong trường hợp lỡ bị dính chất dịch vào mắt hãy mau chóng rửa mắt bằng nước nhỏ mắt nhân tạo hay nhỏ nước muối sinh lý kịp thời. Nếu như vẫn còn sưng tấy thì cần đến bệnh viện để kịp chữa trị.
“Quần áo ẩm để qua đêm, để nhiều ngày ngoài môi trường sẽ thu hút côn trùng làm tổ. Đặc biệt là ở những gia đình trồng nhiều cây cối phải lưu ý để tránh bị côn trùng đẻ trứng trong quần áo.
Tốt nhất là phơi quần áo trong ngày, trường hợp trời mưa kéo dài thì có thể dùng phương pháp sấy để loại bỏ bụi bám và trứng côn trùng nếu có”, GS.TS Bùi Công Hiển khuyên.
Phơi quần áo đúng cách
Để tránh bị côn trùng làm tổ, tránh bị bụi ngoài môi trường bám vào, có nên phơi quần áo trong nhà? PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phơi quần áo trong nhà lại càng tiềm ẩn nguy cơ cho sức khoẻ bởi vi khuẩn có điều kiện tốt để sinh sôi, mùi hôi, ẩm mốc trên quần áo sẽ xuất hiện nhiều hơn, như thế thì chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.
Cách tốt nhất là phơi quần áo ngoài trời nắng, có gió. Ánh nắng, ngoài tác dụng làm quần áo nhanh khô, còn có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn trú ngụ trên quần áo của chúng ta. Quần áo không được phơi ngoài nắng trong thời gian dài thường rất dễ bị bốc mùi do các yếu tố gây bệnh đã trú ngụ và sinh sôi.
“Nếu thời tiết lạnh, mưa ẩm thì có thể cho một chút ít muối vào nước cuối cùng trong khi giặt để quần áo được nhanh khô hơn.
Để quần áo được thơm tho, trong khi giặt có thể dùng thêm nước xả vải nhưng không nên lạm dụng. Ngoài ra có thể sử dụng máy sấy, tủ sấy để làm khô quần áo, không để tích cả đống quần áo ẩm trong nhiều ngày”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Vào những ngày mưa liên tục, quần áo thường có mùi hôi, nhiều người có thói quen “chữa cháy” bằng cách ngâm quần áo thật lâu trong nước xả vải, với suy nghĩ ngâm càng lâu thì quần áo càng thơm. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, điều này hoàn toàn sai lầm bởi chúng ta chỉ cần ngâm khoảng 10 – 15 phút là đủ. V
iệc ngâm lâu hơn không những không làm cho quần áo thơm hơn mà còn khiến quần áo nhanh bị sờn, phai màu, thậm chí việc quần áo ngấm quá nhiều nước xả vải còn khiến cho người có làn da nhạy cảm bị ảnh hưởng như mần ngứa, lở loét…
Bảo Khánh