“Mê hồn trận” sản phẩm sữa

Mạng xã hội tràn lan quảng cáo sản phẩm sữa như sữa chức năng, tăng chiều cao, tăng cân... Nhiều loại được thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi tìm mua sản phẩm.

Quảng cáo thổi phồng công dụng

Ở Việt Nam, thị trường sữa phát triển mạnh mẽ với khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động. Không thể phủ nhận lợi ích từ sữa mang lại cho sức khỏe nên người tiêu dùng, đặc biệt là các phụ huynh, rất quan tâm. Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp thổi phồng quảng cáo “công dụng thần kỳ” để bán sản phẩm sữa nhằm tận thu.

Các doanh nghiệp lợi dụng sự tò mò, lòng tin của người tiêu dùng, quảng cáo sản phẩm có công dụng “thần kỳ” nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Thậm chí, họ còn đăng tải các video quảng cáo gắn với “bác sĩ”, “chuyên gia” mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Rất nhiều loại sữa xuất hiện trên thị trường hiện nay. Ảnh minh họa.

Rất nhiều loại sữa xuất hiện trên thị trường hiện nay. Ảnh minh họa.

Chị Trần Thị Hồng Châu, trú quận Tân Phú, TP HCM, chia sẻ, chị lướt Facebook tìm kiếm sản phẩm sữa để bổ sung canxi cho con, thấy rất nhiều thông tin về dòng sữa Hiup có thể tăng chiều cao. Phóng viên liên hệ qua Fanpage “Sữa Hiup chính hãng - tăng chiều cao cho con”, được giới thiệu đây là dòng sữa tăng chiều cao chuyên biệt dành cho trẻ từ 2 - 18 tuổi, có nguồn nguyên liệu nhập khẩu tại Mỹ.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, người bán hàng này còn hướng dẫn tìm hiểu thêm thông tin trên trang https://www.hiupchinhhang.com. Tại đây, nhiều quảng cáo có hướng thổi phồng công dụng sản phẩm. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo về sản phẩm với ngôn từ có cánh như: “Uống là sẽ cao”, “uống là sẽ lớn bất chấp cả gen di truyền do bố mẹ thấp lùn”, “uống sữa Hiup con sẽ cao như người mẫu, diễn viên”... Thậm chí, hình ảnh bác sĩ, dược sĩ được sử dụng để quảng cáo về sản phẩm.

Không chỉ các dòng sản phẩm tăng chiều cao, đánh vào tâm lý của phụ huynh có con còi cọc, nhiều nhãn hàng quảng cáo sữa tăng cân như “thần dược”. Ví dụ, website Chinhhang-hiweight.com quảng cáo “tăng 5 - 7 kg tại nhà với 2 ly sữa mỗi ngày”; hay website Hiweight.online giới thiệu Hiweight “100% sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tăng 5 - 7 kg cho người gầy lâu năm. Tăng 2 - 3 kg sau 1 tháng...”.

Tuy nhiên, khi liên hệ mua hàng, người bán cho hay, sản phẩm chỉ được phân phối qua kênh online và cũng không có hóa đơn cho khách mua lẻ. Điều này khiến người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng, cũng như công dụng của sản phẩm có đúng như quảng cáo?

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Theo PGS. TS, Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - sữa và các sản phẩm sữa là nguồn thực phẩm cung cấp canxi quý. Thị trường sữa đa dạng, các bậc phụ huynh hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, chọn sữa cho con cần tìm hiểu kỹ theo quy chuẩn của Việt Nam.

Phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông thái. Ảnh minh họa.

Phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông thái. Ảnh minh họa.

Hiện, thị trường trong nước có sữa thanh trùng, tiệt trùng hay hoàn nguyên. Theo quy định, các loại sữa này đều có độ đạm 2,7g/100ml sữa.

“Phụ huynh nên hiểu đúng về sữa. Ví dụ, sản phẩm có đạt quy chuẩn quy định không, được các cơ sở y tế cấp phép chưa, sản xuất tại nhà máy đạt quy chuẩn không, có đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm? Từ đó, cha mẹ có sự lựa chọn phù hợp cho con. Không nên chỉ tin vào quảng cáo để lựa chọn sản phẩm”, PGS Lâm khuyến cáo.

TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm. Theo đó, các nhóm cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ, các quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất, chỉ cần một bản hồ sơ, đăng tải trên website. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp không phải chờ đợi, rút gọn thời gian, thủ tục.

Tuy nhiên, từ quy định này cũng xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo sản phẩm không đúng quy định. Đặc biệt, quảng cáo có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế.

“Luật An toàn Thực phẩm, cũng như Nghị định số 15, nêu rõ việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng ‘tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh’. Đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm”, bà Nga nêu rõ.

Theo Đời sống
Củ kiệu ở miền Tây trúng giá

Củ kiệu ở miền Tây trúng giá

So với cùng kỳ năm ngoái, giá bán củ kiệu tươi tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg và tăng 5.000 đồng/kg đối với củ kiệu giống nên đa số người trồng kiệu có lãi cao.
back to top