Hydro - “giải pháp cuối cùng”
Dấu ấn môi trường của ngành hàng không là rất rõ ràng, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới mô tả nó là “một trong những nguồn phát thải khí nhà kính phát triển nhanh nhất dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu”. WWF cũng cho biết, du lịch hàng không “hiện là hoạt động sử dụng nhiều carbon nhất mà một cá nhân có thể thực hiện”.
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không hiện đang gây ra 2% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.
Dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa nguy cơ ô nhiễm không khí sẽ cao hơn nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus, hàng không có thể phải đối mặt với những thách thức lớn nếu không thể khử carbon kịp thời và hydro “giải pháp cuối cùng” cho trung và dài hạn.
Trên thực tế vào tháng 9/2020, Airbus đã công bố thông tin chi tiết về khái niệm máy bay “hybrid-hydro” và dự kiến những máy bay chạy nguyên liệu mới này có thể cất cánh vào năm 2035.
Mô hình một trong những chiếc máy bay không phát thải carbon của Airbus được trưng bày tại Hamburg, Đức, vào ngày 18/12022. (Ảnh: CNBC)
Faury đã đưa ra các nội dung mà Airbus cần tập trung ngay lúc này nhằm đảm bảo máy bay đốt cháy ít nhiên liệu hơn và thải ra ít khí carbon hơn. Ông cho rằng ngành nhiên liệu hàng không bền vững cần phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, hướng đến mục tiêu cung ứng đủ 100% nguồn nguyên liệu vào cuối thập kỷ này.
Những điều trên đại diện cho một “phần rất quan trọng của những gì chúng tôi đang làm” Faury nói. Nhưng những trở ngại lớn vẫn đang ở phía trước, sẽ cần rất nhiều cam kết về kỹ thuật, nghiên cứu và vốn...
Trở ngại đang chờ đón
Mặc dù có sự phấn khích về máy bay hydro và khả năng của chúng trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường của ngành hàng không, nhưng một số lượng lớn công việc cần phải được thực hiện để thương mại hóa công nghệ và triển khai trên quy mô lớn.
Trả lời CNBC trong một cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Ryanair, Michael O’Leary, tỏ ra thận trọng khi nói về triển vọng đối với các công nghệ mới và đang nổi lên trong lĩnh vực này.
“Tôi nghĩ... chúng ta nên trung thực một lần nữa… chắc chắn, trong thập kỷ tới, tôi không nghĩ bạn sẽ thấy bất kỳ điều gì - không có công nghệ nào ngoài kia có thể thay thế... carbon, hàng không phản lực”.
“Tôi không thấy sự xuất hiện của… nhiên liệu hydro, tôi không thấy sự xuất hiện của nhiên liệu bền vững, tôi không thấy sự xuất hiện của các hệ thống đẩy điện, chắc chắn không phải trước năm 2030”, ông nói thêm.
Về mặt nhiên liệu hàng không bền vững, các bình luận của Faury thể hiện sự bổ sung mới nhất cho cuộc thảo luận ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây khi những lo ngại về tính bền vững ngày càng gia tăng. Mặc dù Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu cho biết “không có một định nghĩa nào được quốc tế đồng ý” về nhiên liệu hàng không bền vững, nhưng ý tưởng bao quát là nó có thể được sử dụng để giảm lượng khí thải của máy bay.
Về nội dung, Airbus trước đây đã mô tả nhiên liệu hàng không bền vững là “được làm từ nguyên liệu thô tái tạo”. Nó cho biết các nguyên liệu thô phổ biến nhất “là dầu ăn và mỡ động vật có nguồn gốc từ cây trồng hoặc đã qua sử dụng”.
Tuần trước, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Willie Walsh, nói với CNBC rằng, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả thêm chi phí liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững.
“Nhiên liệu bền vững gấp đôi những gì bạn đang trả cho… dầu hỏa truyền thống, vì vậy, nó thể hiện sự gia tăng đáng kể trong cơ sở chi phí của ngành hàng không”. “Và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải trả khoản tiền đó”.
Một công ty nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ hàng không vũ trụ (ATI) của Anh, đã tiết lộ một dự án máy bay chạy bằng hydro lỏng. Máy bay với công nghệ mới có tên FlyZero, có thể bay nửa vòng Trái Đất (từ London đến San Francisco) mà không cần tiếp nhiên liệu.
Về lý thuyết, chiếc máy bay 279 chỗ ngồi này sẽ có khả năng hoạt động tương tự như một chiếc máy bay hạng trung truyền thống nhưng không tạo ra khí thải carbon-ATI cho biết trong một thông cáo báo chí.
Máy bay FlyZero sẽ sử dụng hydro lưu trữ trong các thùng nhiên liệu đông lạnh, ở nhiệt độ âm 250°C. 2 thùng đông lạnh sẽ được đặt ở phía sau máy bay, 2 thùng khác nhỏ hơn sẽ được đặt gần phía trước của máy bay để giữ thăng bằng. Máy bay có sải cánh dài 54m, có một động cơ phản lực cánh quạt gắn liền.
(Nguồn: Interesting Engineering)