Không nên mua máy đã quá cũ
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi chọn mua điều hòa cũ, nên kiểm tra kỹ các chi tiết kỹ thuật. Chỉ nên mua loại máy vẫn còn chạy tốt, đã dùng rồi nhưng không quá cũ nát. Việc xác định chất lượng của máy điều hòa cũ là cực kỳ khó khăn, người tiêu dùng bình thường không làm được mà phải cho vào các phòng thí nghiệm với chi phí khoảng 20 triệu đồng mới có thể biết chiếc điều hòa ấy có tốt hay không. Hơn nữa về nguyên tắc, máy càng cũ thì càng tốn điện, nên mua máy quá cũ là không nên. Tốt nhất là chọn loại máy đã qua sử dụng khoảng 2-4 năm, được bảo hành bảo dưỡng tốt thì vẫn còn sử dụng được. Nên mua loại điều hòa cũ trong nước hơn là loại điều hòa nhập khẩu.
Một điều phải tính đến là chi phí bảo dưỡng đối với máy điều hòa cũ. Ngoài việc sử dụng tốn điện hơn thì khi chọn điều hòa cũ, nên chọn dòng máy càng mới càng tốt, của thương hiệu càng phổ biến càng tốt. Điều này sẽ giúp xử lý các vấn đề gặp phải trong quá trình sử dụng dễ dàng hơn nhiều. Tuyệt đối không mua loại máy đã cũ nát, có tuổi thọ hàng chục năm mà không được bảo dưỡng. Bởi loại điều hòa này có thể “chết” bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, khi mua các loại điều hòa cũ nhập khẩu thì phải lưu ý. Ví dụ điều hòa ở Nhật Bản người ta sử dụng điện thế 100-200V nhưng ở Việt Nam lại là dòng điện 220-240V. Với dòng điện này, máy chạy ở Nhật Bản sẽ là 3600 vòng/phút nhưng ở Việt Nam chỉ đạt 2.900 vòng/phút. Ngoài ra khi đem về Việt Nam, muốn sử dụng phải có biến thế đặc biệt để chuyển dòng điện 220V thành 200V. Nếu không có biến thế mà cứ thế dùng thì điện thế sẽ tăng, dòng sẽ tăng lên làm cho nốc máy rất nóng và nhanh hỏng.
Kiểm tra bằng mắt các thông số
Khi mua máy điều hòa cũ, kiểm tra các chi tiết là cần thiết. Vỏ máy là bộ phận rất quan trọng của điều hòa. Khi mua điều hòa cũ, bạn cần chắc chắn vỏ máy còn được nguyên vẹn, không nứt gãy… Cần kiểm tra xem có tình trạng dàn nóng/lạnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không, bằng cách kiểm tra sự tương đồng của model máy, được dán trên cả hai cục.
Thường thì người mua chỉ chú ý đến dàn lạnh mà không xem xét kỹ dàn nóng. Chính vì vậy mà hiện tượng tráo cục nóng cũng thường xảy ra. Cần phải kiểm tra kỹ lưỡng, có thể xem các thông số được dán trên dàn nóng và dàn lạnh để biết chắc chắn rằng mình đã lấy đúng hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra kỹ xem dàn nóng, lạnh có bị đóng bụi dày đặc hay không vì nếu có sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Quan sát kỹ các chi tiết bạn sẽ biết chiếc máy có được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ hay không? Các chi tiết nhựa có bị nứt, gãy, mủn hay không…
Nếu không rành về kỹ thuật, bạn có thể nhờ một người rành kỹ thuật để kiểm tra cục lạnh, dàn nóng, ống dẫn gas…. Đối với các dòng máy lạnh thường, bạn có thể nhẹ nhàng tách lớp mặt nạ phía trước ra sẽ nhìn thấy trực tiếp hai lá nhôm. Và bạn phải chắc rằng hai lá nhôm ở cục lạnh phải còn nguyên vẹn, bề mặt phẳng không bị vết lủng hoặc răng cưa. Nếu đối với dòng máy lạnh cao cấp thì việc này có thể không cần bởi vì mặt nạ trước được đóng chật nên việc hư tổn là không thể (tuy nhiên vẫn nên loại trừ một số trường hợp hy hữu, tốt nhất là bạn nên nhờ nhân viên cửa hàng kiểm tra). Kiểm tra đường ống dẫn gas, chỉ nên chọn máy có mối hàn ống dẫn gas còn nguyên vẹn, chưa bị làm lại. Mối hàn nguyên bản thường có màu đỏ đều, vết hàn liền mạch, và sắc sảo. Mối hàn đã qua hàn lại sẽ có màu loang lổ, vết hàn gồ ghề.
Bảo Khánh
Theo GS Lợi, việc tiết kiệm điện cho điều hòa, phụ thuộc vào máy chỉ một phần. Nó còn phụ thuộc vào lắp đặt có chuẩn hay không (như chọn ví trí lắp dàn nóng, dàn lạnh đúng, chiều dài đường ống ga phải ngắn, chênh lệch chiều cao giữa 2 dàn phải thấp…), phòng điều hòa có chuẩn không (cửa phòng phải kín, cách nhiệt tốt, cửa sổ che nắng tốt, ít nguồn nhiệt, ẩm tỏa trong nhà)…