Lupus ban đỏ khó chữa, dễ biến chứng

(khoahocdoisong.vn) - Lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Với trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tới tính mạng. Lupus ban đỏ chiếm tỷ lệ 1,9% trên tổng số các bệnh da nói chung.

Sai lệch đáp ứng miễn dịch có thể biến chứng khớp

Lupus ban đỏ được xem như một viêm mạch, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nữ 30 tuổi và nam 40 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam (tỷ lệ nam/nữ mắc bệnh là 1/8). Nguyên nhân gây bệnh là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng.

Bệnh lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn ra từ từ trong nhiều tháng, nhiều năm. Bệnh tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể cho nên triệu chứng của bệnh rất đa dạng. Các triệu chứng thường gặp như: Bệnh nhân có biểu hiện gầy sút, mệt mỏi, rụng tóc, sốt nhẹ, viêm loét miệng, đau mỏi cơ, đau các khớp nhỏ, rối loạn kinh nguyệt. Có khoảng 3/4 bệnh nhân xuất hiện các ban đỏ bất thường trên da. Thường gặp nhất là ban đỏ hình cánh bướm trên mặt, ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi. Đây chính là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Khi người bệnh thấy có triệu chứng trên, cần tới bác sĩ chuyên khoa khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh. Ở một số bệnh nhân, nốt ban xuất hiện nhiều ở nách, khuỷu tay, ban tạo thành các vết đỏ cố định. Ở các phần khác, ban thường đổi thành màu trắng khi ấn vào. Ban sẽ nhạt đi vào ngày thứ sáu sau khi nhiễm bệnh. Ban có thể phát triển thành bệnh chốc lở gây nhiễm trùng da; với người lớn nếu không chữa đến nơi đến chốn có thể biến chứng vào khớp gây hư khớp. Tổ chức về bệnh lupus ở Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 90% bệnh nhân bị đau khớp hoặc cơ trong một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển bệnh. Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống cũng có nguy cơ bị lao xương khớp.

Điều trị bằng thuốc và thực phẩm

Việc chữa lupus ban đỏ phải lâu dài, theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Các thuốc điều trị thông thường là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen, nimesulide có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp. Tuy nhiên, thuốc dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng nên phải dùng khi no. Các loại corticosteroid chống viêm mạnh hơn nhóm thuốc trên nhưng cũng nhiều tác dụng phụ, chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ thường gặp là viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận. Thuốc được chỉ định uống một lần sau bữa ăn sáng.

Khi điều trị lupus ban đỏ, người bệnh cần có lối sống lành mạnh, tránh bị sang chấn tâm lý, năng vận động. Khi đi ra đường cần tránh tối đa tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời bởi loại tia này thường làm khởi phát hoặc làm nặng thêm các đợt cấp của bệnh. Khi đã chữa bằng Tây y thì không được dừng thuốc đột ngột, đặc biệt là các thuốc corticosteroid, vì có thể gây ra đợt cấp của bệnh.

Với những người mắc bệnh lâu ngày không khỏi, hay tái phát, có cơ địa nhạy cảm có thể dùng bổ trợ thêm thực phẩm trị bệnh. Người bệnh hạn chế dùng thực phẩm cay nóng như hành tây, thịt cừu, rau hẹ, ớt, rượu, thuốc lá, cà phê, trà đặc... Có thể dùng một trong các món sau để góp phần khống chế bệnh: thịt rắn nước (1 con), để cả da đem hấp, nêm chút gia vị, ăn cả thịt và nước.

Hoặc dùng nước kim ngân - kim ngân hoa sắc đặc uống. Mỗi lần uống 30 ml, ngày uống 3 lần. Đối với thực phẩm, nên sử dụng cá, đặc biệt là cá hồi, cá ngừ và cá thu, đây là loại cá giàu các axit béo omega-3, giúp chống viêm. Nên ăn ít đồ béo và đường, ăn tăng rau xanh và trái cây, ăn đậu và các loại rau thuộc họ đậu bởi chúng chứa nhiều chất xơ, vitamin B và sắt. Với ngũ cốc, nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám, nên uống nhiều nước quả tươi giúp mát gan, thải độc.

BS. Xuân Ba (Giáp Nhất, Hà Nội)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top