Sự xuất hiện của lũ tiểu mãn do một đợt mưa kéo dài từ 27 -31/5 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giúp bổ sung lượng nước đáng kể sau một mùa khô kéo dài ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của lũ tiểu mãn cũng thường đi kèm với những hệ lụy xấu.
Năm nay lũ tiểu mãn đến muộn.
“Vàng trời ban”
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết: Trong hệ thống lịch ở các nước Đông Á trong đó có Việt Nam có thuật ngữ tiết tiểu mãn. Tiết tiểu mãn là một trong 24 tiết khí như thu phân, xuân phân, đông chí…
Tiết tiểu mãn thường diễn ra vào khoảng ngày 21 -22/tháng 5 dương lịch. Kéo dài trong khoảng 2 tuần. Vào thời kỳ tiết tiểu mãn, thường có mưa. Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn về (ở miền nam Trung Hoa gọi là mưa mai, mưa mận). Có năm mưa vừa, có năm mưa to gây lũ nhỏ hoặc lũ vừa. Đôi khi là lũ lớn kèm theo sạt, lở đất, đá. Các đợt lũ này được gọi là lũ tiểu mãn.
Lũ tiểu mãn thường không lớn. Nhưng do xảy ra vào thời kỳ cuối mùa khô, hệ thống sông suối đang cạn kiệt. Nguồn nước này vô cùng quý giá đối với sản xuất và đời sống. Đặc biệt là các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi sau một mùa khô, ít mưa kéo dài. Sự xuất hiện của lũ tiểu mãn giúp “giải khát” cho các sông suối đã cạn kiệt nước.
Ở nhiều nơi như ven biển Trung Bộ, lũ tiểu mãn được người dân gọi là “vàng trời ban”.
Thông thường lũ tiểu mãn sẽ xuất hiện vào 21- 22/5, thời điểm xuất hiện tiết tiểu mãn. Tuy nhiên năm nay, lũ tiểu mãn 2018 được dự báo sẽ đến muộn hơn. Các dự báo cho thấy, từ ngày 27 -31/5, một bộ phận không khí lạnh yếu từ phía Bắc sẽ tràn xuống Bắc Bộ. Sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, một đợt mưa sẽ xuất hiện ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đợt mưa này vừa giúp giải nhiệt cho Bắc Bộ và Trung Bộ mấy ngày nắng nóng vừa qua. Tạo điều kiện để lũ tiểu mãn xuất hiện, bổ sung lượng nước đáng kể sau một mùa khô kéo dài ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Trong lịch sử đã từng ghi nhận một số trận lũ tiểu mãn gây ra những hậu quả rất xấu. Cụ thể, trận lũ tiểu mãn khá lớn xuất hiện vào tháng 5/1986 đã gây ra những thiệt hại đáng kể ở Trung Bộ. Tương tự lũ tiểu mãn lớn xuất hiện vào năm 2009 cũng gây ra những hệ quả xấu ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Nguy hiểm từ đất, đá khô, bở
Vẫn theo ông Lê Thanh Hải, tuy có ưu điểm là bổ sung một lượng nước đáng kể cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau một mùa khô, ít mưa kéo dài. Tuy nhiên, lũ tiểu mãn cũng thường đi kèm với một số hệ quả xấu. Như lũ quét, sạt lở đất hay ngập úng đô thị… Nguyên nhân là do Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vừa trải qua mùa khô kéo dài, ít mưa. Đất đai đã khô, nứt nẻ.
Điều đáng nói, độ kết dính của đất rất kém, đất đang khô, nứt nẻ. Mưa xuống dễ dẫn đến hiện tượng đất ngấm nước và bục. Đất ngấm nước, bở bục là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nguy hiểm như sạt lở, lũ quét…
Nhiều trận lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra ở các tỉnh miền núi do mưa, lũ tiểu mãn gây ra. Lưu ý thêm lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng thiên tai xảy ra bất ngờ, nhanh, sức tàn phá lớn.
Vì vậy, trong những ngày cuối tuần này và đầu tuần sau, người dân cần hết sức đề phòng các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Người dân ở đô thị cũng cần đề phòng ngập úng do mưa lũ tiểu mãn gây ra.
Đức Anh