Tìm giải pháp ngọt hóa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đặc biệt nghiêm trọng, xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn năm 2015 - 2016.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục tình trạng này như đề xuất xây các hồ dự trữ nước ngọt, lọc nước biển thành nước ngọt, chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây, tổ chức đắp đập ngăn mặn, vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy nước, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân các thiết bị trữ nước, lọc nước, vận chuyển nước sinh hoạt... GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, thực tế hằng năm trong mùa mưa lũ ở ĐBSCL nước ngập khắp nơi. Nhưng lượng nước khổng lồ này thoát hết ra biển vì không còn nơi chứa lại cho mùa nắng. Trữ nước là chuyện sẽ phải làm nhưng cần thận trọng với việc đầu tư các giải pháp công trình xây hồ cực lớn.
“Vùng ĐBSCL ngày xưa, trước khi được phát triển thành một vùng chủ yếu trồng lúa như hiện nay, đã có những vùng trũng thiên nhiên rộng lớn như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chúng ta đã lấp để trồng lúa rồi. Đến bây giờ các tỉnh mới nghĩ đến việc khôi phục ao hồ là hơi muộn, lẽ ra việc này phải làm sớm hơn. Ông bà ta đã đào ao, đìa quanh nhà, tận dụng các hố bom để cuối mùa mưa nước ngọt và cá tôm rút vào đó trú ẩn. Ông bà ta còn mua nhiều lu, khạp hoặc xây hồ bêtông âm dưới sàn nhà để tích trữ nước mưa, nhờ vậy đến mùa nắng khô hạn không thiếu nước dùng”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Giải pháp nào giữ ngọt?
GS.TS Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, để giữ nước ngọt cần khôi phục hệ thống các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư. Giải pháp này không những góp phần trữ nước ngọt phòng hạn mà còn góp phần điều tiết một phần nguồn nước trong mùa lũ, cải tạo môi trường, hệ sinh thái. Tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này còn giúp giữ ổn định mực nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất. Vấn đề đặt ra cho giải pháp này là việc bổ cập nguồn nước, ngăn nguồn nước mặn xâm nhập, xử lý giao thông thủy và tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng chảy trong sông không được lưu thông thường xuyên.
TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Trung tâm Hòa An) cho rằng, chính người dân phải có ý thức tự chuẩn bị, tự lo cho mình trước. Sau đó chính quyền các cấp địa phương phải quy hoạch cụm, tuyến dân cư tập trung và lựa chọn giải pháp kỹ thuật để cung cấp nước ngọt cho người dân ở cụm, tuyến đó. Trung ương phải phân vùng cụ thể: Vùng trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, còn các vùng khác chuyển qua cây trồng, vật nuôi khác theo hình thức lợi nhuận kinh tế để thúc đẩy thị trường và phải chuẩn bị hạ tầng dịch vụ phục vụ cây trồng, vật nuôi mới đồng bộ.
Người dân ở vùng hạn mặn đang thiếu nước sinh hoạt, vấn đề này không quá khó để giải quyết bởi hàng trăm năm trước người dân đã có kinh nghiệm trữ nước bằng lu, kiệu... để dùng. ĐBSCL có những vùng một năm lượng mưa tới hơn 2.000mm, chỉ cần mỗi hộ dân chuẩn bị chục lu, kiệu... là đủ dùng đến 3-4 tháng nắng. Vấn đề ở đây là tốc độ phát triển dân cư ra vùng mặn thiếu quy hoạch hoặc không được quy hoạch chặt chẽ. Do đó cần phải quy hoạch lại các cụm, tuyến dân cư cho hợp lý. Khi quy hoạch cụm, tuyến dân cư đã ổn định thì các giải pháp kỹ thuật lúc đó là xây hồ trữ nước ngọt, chuyển nước hay lọc nước biển thành nước ngọt... đều trở thành rất dễ dàng.Ví dụ, nếu cụm, tuyến dân cư đó nằm sát biển, không thể nào đào hồ, đào ao chứa nước ngọt thì phải giải quyết bằng cách xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cho người dân sử dụng. Nếu dân cư tiếp tục phát triển vô tội vạ, không kiểm soát, không quy hoạch cụm, tuyến đàng hoàng thì dù có giải pháp gì đi nữa cũng phá sản.
Bảo Khánh