Liên cầu lợn nguy hiểm thế nào nếu không chữa trị kịp thời?

Trường hợp nặng, người nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện ù tai, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê,.. để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy,.. khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, nhất là trong mùa hè này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó. Ngoài ra, CDC thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ/ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Theo Đời sống
Bị... ghẻ dù rất sạch sẽ

Bị... ghẻ dù rất sạch sẽ

Nhiều người ưa sạch sẽ nhưng không hiểu vì sao bỗng nhiên lại bị ghẻ mà không biết rằng, nguyên nhân mắc bệnh thường do tiếp xúc với da bị bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng như quần áo, chăn ga, gối đệm, giường chiếu.
back to top