Lạng Sơn: Nỗ lực để vươn tầm thách thức

Xác định dịch Covid-19 còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế và công tác xuất nhập khẩu. Lạng Sơn nỗ lực và phấn đấu với mục tiêu: “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh”.

Hiểu rõ khó khăn trong xuất nhập khẩu do dịch Covid-19

Lạng Sơn có 213km đường biên giới, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ giữa Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2021, công tác xuất nhập khẩu tại đây gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và yêu cầu chất lượng sản phẩm phía Trung Quốc ngày càng khắt khe, thủ tục hành chính phức tạp.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường trong nước biến động, lưu thông đứt gãy, chuỗi sản xuất, cung ứng đổ vỡ, nhiều phương tiện chuyên chở hàng hóa không thể qua các cửa khẩu khác mà dồn về Lạng Sơn. Phía Trung Quốc tăng cường các tiêu chuẩn kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, nhu cầu thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn cần khoảng 400 - 600 xe/ngày nhưng chỉ khoảng 50 - 100 xe/ngày đạt chuẩn. Mùa vụ đến kỳ thu hoạch, lượng phương tiện, hàng hóa từ khắp nơi đổ dồn về dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, cao điểm lên tới 5.000 xe tồn chờ xuất khẩu.

cot-co-phai-ve-3-2645-16025928-7593-8778-1606784536.jpg

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất, nhập; khuyến cáo các địa phương không đưa hàng lên cửa khẩu. Thực hiện chính sách hỗ trợ với tinh thần giúp đỡ cao nhất cho chủ hàng, lái xe, người sản xuất khi đến Lạng Sơn. Xây dựng các phương án vừa đảm bảo công tác quản lý phương tiện, hàng hóa, vừa đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho các lái xe, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống Covid-19, thực hiện các giải pháp “quản lý khép kín”, xây dựng khu vực cửa khẩu thành vùng “xanh’’, kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan ra cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch cho từng chiến dịch cụ thể

Năm 2021, Trung Quốc theo đuổi chiến lược “ZERO COVID”, dừng hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ; thường xuyên thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Chi Ma - Ái Điểm.

44cbe8c9-2356-40e3-9a9a-6c164e1334ac.jpg

Trước tình hình đó, Lạng Sơn tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật tình hình khuyến cáohoạt động các cửa khẩu cũng như biện pháp quản lý, kiểm tra phía Trung Quốc đến UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức, doanh nghiệp nhằm phối hợp thực hiện, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, điều tiết từ sớm, từ xa hàng hóa lên cửa khẩu. Duy trì và tăng cường cơ chế hội đàm, trao đổi thông tin nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại biên giới. Chỉ đạo triển khai nền tảng cửa khẩu số công khai, minh bạch, tiết giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. UBND tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ gồm: Giảm giá dịch vụ xe ra vào bến bãi và hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe; Hỗ trợ điều trị miễn phí lái xe đường dài nhiễm Covid-19; Tạo điều kiện lưu trú dịp tết Nguyên Đán cho các lái xe...

Với các biện pháp tích cực, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn Lạng Sơn năm 2021 đã đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm tất cả các loại hình xuất nhập khẩu) đạt khoảng 30,6 tỷ USD; trong đó mở tờ khai tại Lạng Sơn đạt 4.270 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ (xuất khẩu 1.370 triệu USD, tăng 12,3%; nhập khẩu 2.900 triệu USD, tăng 82,4%). Tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, Trung Quốc tiếp tục chiến dịch “ZERO COVID” và siết chặt các chính sách xuất nhập khẩu. Lạng Sơn đã chủ động chuẩn bị: Tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu, đảm bảo vận hành với quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu tại Tân Thanh, Chi Ma; Minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả của bộ máy thực thi chính sách; Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; Tăng cường hoạt động đối ngoại, quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc; Tiếp tục tập trung phát triển cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và cửa khẩu Tân Thanh; Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác tìm kiếm đối tác, xây dựng hợp đồng thương mại, thanh toán quốc tế...

Dự báo, năm 2022, kinh tế Lạng Sơn nói chung và công tác xuất nhập khẩu nói riêng sẽ có những biến chuyển tích cực và có chiều hướng phát triển hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top