Lạng Sơn: Sức hút đầu tư công nghiệp từ vùng đất tiềm năng

Nằm ở vị trí vùng biên Tổ quốc, Lạng Sơn không chỉ là cửa ngõ giao thương kinh tế còn là mảnh đất giàu tiềm năng công nghiệp sẵn có. Chủ trương phát triển công nghiệp đa phương hóa, đa dạng hóa nằm trong sự quan tâm hàng đầu và được UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu tiên với mục tiêu đưa Lạng Sơn phát triển công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều kiện tự nhiên tạo thế mạnh về công nghiệp

Với thế mạnh là tỉnh miền núi phía Bắc có thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng phù hợp với nhiều loại cây trồng sinh trưởng phục vụ ngành công nghiệp chế biến như hồi, thuốc lá, chè, thông, các loại dược liệu quý; hay các cây trồng nông nghiệp như dưa chuột bao tử, ngô bao tử, cà chua bi, khoai tây, gừng... ưa khí hậu vùng cao. Một số cơ sở chế biến đã đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, hướng ra xuất khẩu.

Theo đó, UBND tỉnh đã khuyến khích mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap gắn với xây dựng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thương hiệu… là tiền đề phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Với sự khuyến khích và chủ trương lớn của tỉnh, Đảng bộ, hiện tại đã có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Địa hình với nhiều núi đá vôi, đất sét tưởng chừng là bất lợi nhưng cũng chính là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành sản xuất xi măng, gạch ngói và các vật liệu xây dựng khác. Hiện nay, tỉnh đã có nhà máy sản xuất xi măng chuyên biệt, gạch xi măng và sản xuất phân bón công nghệ cao có chứng nhận hợp quy, đáp ứng chuẩn quy trình sản xuất được ưa chuộng trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản quy mô nhỏ và vừa cũng được đẩy mạnh hỗ trợ đắc lực cho nhiều ngành nghề với nguồn than sạch, đá các loại, chì, kẽm, boxit phong phú.

Đặc biệt, Lạng Sơn đang đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp. Hiện tại tỉnh đã được quy hoạch 2 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 762ha, cụ thể: Khu công nghiệp Đồng Bành diện tích 162ha, Khu công nghiệp Hữu Lũng diện tích 599,76ha. Ngoài ra, có Khu công nghiệp Hồng Phong (440ha) được định hướng trong quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cùng 16 cụm công nghiệp khác. Dự kiến, đây sẽ là một trong những mảng mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh, xuất khẩu công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và vùng lân cận, góp phần lớn vào chính sách xóa đói giảm nghèo.

2_01-1635896528072.jpg

Lạng Sơn còn có đường biên giới dài giáp với Quảng Tây – Trung Quốc cùng nhiều cửa khẩu nội địa, quốc tế thuận lợi cho giao dịch, xuất khẩu. Tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới dịch vụ cung cấp cũng như đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gồm: Lắp ráp xe đạp điện, sản xuất máy bơm nước, dụng cụ y tế, sản phẩm may mặc, túi siêu thị xuất khẩu cùng rất nhiều mặt hàng đa dụng khác.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn vẫn tiếp tục tăng cường những dự án quy mô tầm cỡ để sự phát triển được toàn diện như: Đẩy mạnh sản xuất nhiệt - thủy điện, khai khoáng; Áp dụng công nghệ số hóa giúp lưu trữ, kiểm tra và phối hợp thuận tiện trong trao đổi thông tin; Đẩy mạnh nhóm ngành sản xuất và phân phối nước, xử lý rác thải...

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU và Kết luận số 105-KL/TU, ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, đã hình thành một số doanh nghiệp sản xuất lớn, hoạt động ổn định, thu hút trên 13.800 lao động; tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt 7,72%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân hằng năm đạt 9,88%.

Cơ chế mở, chính sách thoáng, tạo tiền đề phát triển công nghiệp

Trước sự phát triển lớn mạnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch, đề ra mục tiêu định hướng để hỗ trợ sâu, rộng và mang tính đột phá, bước ngoặt nhằm tạo điều kiện giúp phát triển công nghiệp tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Giai đoạn phát triển công nghiệp 2021 – 2025 Tỉnh định hướng phấn đấu đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt từ 10 - 11%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 5 - 6%, công nghiệp khai khoáng đạt khoảng 2%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước đạt khoảng 3 - 4%. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt bình quân trên 9%/năm. Phấn đấu hình thành 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển, hình thành một số cụm công nghiệp có quy mô lớn tại khu vực huyện Hữu Lũng, huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình để tiến tới trong tương lai phát triển thành vùng sản xuất công nghiệp tập trung.

Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển kinh tế chung toàn tỉnh. Một trong những mục tiêu trọng điểm Lạng Sơn đang nỗ lực là phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

Theo đó, nhiệm vụ quan trọng bao gồm: Tập trung hoàn thiện Quy hoạch ngành và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong đó trọng tâm ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm; Tiếp tục phát triển công nghiệp sản xuất, phân phối điện; Quan tâm hoạt động cấp nước và xử lý nước thải, rác thải; Duy trì hoạt động công nghiệp khai khoáng và duy trì phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Để đưa chủ trương và mục tiêu phát triển công nghiệp thành hiện thực, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động trên các mặt, gồm: Về quản lý, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham gia của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong phát triển công nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho pháp triển công nghiệp.

Về chính sách: Tập trung xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, thu hút nguồn lực đầu tư, chú trọng phát triển doanh nghiệp và xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp. Về chất lượng: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển công nghiệp. Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

UBND tỉnh xây dựng quyết tâm đẩy mạnh và nâng cao công tác phối hợp trong quản lý - xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thẩm định các dự án công nghiệp, bảo đảm phát triển công nghiệp gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội. Cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai đối với công tác giải phóng mặt bằng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án đầu tư trọng điểm và các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện có trong quy hoạch và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tạo cơ chế mở, chính sách thông thoáng, ưu tiên cho các nhà đầu tư cao nhất.

Với 21 danh mục đầu tư tầm cỡ trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp – năng lượng; lĩnh vực giao thông – đô thị có 22 hạng mục đầu tư tiềm năng cùng gần 30 danh mục đầu tư đa dạng ở các lĩnh vực khác được tỉnh triển khai. Xây dựng cơ chế mở và chính sách thoáng, Lạng Sơn đang là nơi thu hút, mở ra tiềm năng phát triển lớn tạo sức hút cho các nhà đầu tư trên vùng đất cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc.

Theo Đời sống
back to top