Nhà đầu tư góp vốn thế nào?
Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, được đầu tư theo phương thức PPP. Tổng chiều dài dự kiến khoảng 112,2km đi qua địa phận của 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Dự án thành phần số 3 thuộc dự án này là Đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và nối 09km đi trùng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án thành phần này thực hiện theo hình thức PPP, với tổng vốn đầu tư khoảng 60.486 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), do UBND TP Hà Nội quản lý.
Nhà đầu tư ngoài Nhà nước được tham gia đầu tư vào dự án thành phần số 3 này. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 31.486 tỷ đồng (chiếm 55% tổng mức đầu tư dự án PPP) thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2030 và ngân sách địa phương.
Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 26.056 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 4.296 tỷ đồng (tương đương 15%), vốn vay khoảng 24.344 tỷ đồng. Và khoản lãi vay 2.584 tỷ đồng.
Nhiều thông tin cho rằng, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 3 nhà đầu tư muốn được tham gia thực hiện dự án theo từng phân đoạn.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32. Và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.
Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành và Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.
Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn muốn xây dựng cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng kinh phí vào khoảng 8.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, vào ngày 18/08/2021, Tập đoàn Vingroup cũng đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tính khả thi dự án. Tài liệu này cũng đã được đính kèm hồ sơ dự án gửi cơ quan chức năng.
Trung ương phân bổ, địa phương góp vốn
Theo UBND thành phố Hà Nội, dự án thành phần số 1 của Dự án tuyến đường vành đai 4 là giải phóng mặt bằng sẽ do các địa phương thực hiện bằng ngân sách (Trung ương và địa phương).
Dự án thành phần số 2 là xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành sẽ do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Đối với dự án thành phần 1 sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương với tổng mức khoảng 24.242 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến 11.101 tỷ đồng (Hà Nội được phân bổ 5.442 tỷ đồng, Hưng Yên được phân bổ 3.149 tỷ đồng, Bắc Ninh được phân bổ 2.509 tỷ đồng).
Vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 13.141 tỷ đồng (Hà Nội dự kiến đầu tư khoảng 12.669 tỷ đồng, Bắc Ninh khoảng 442 tỷ đồng).
Đối với dự án thành phần số 2 sử dụng ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng. Trong đó TP Hà Nội khoảng 5.358 tỷ đồng, Hưng Yên 1.412 tỷ đồng, Bắc Ninh khoảng 2.629 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ ưu tiên bố trí 14.250 tỷ đồng để hỗ trợ cho dự án thành phần số 1, và một phần để chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án thành phần số 3.
Cụ thể, nguồn vốn đã được ghi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 14.250 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự án đề xuất sẽ sử dụng 11.101 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác GPMB của các địa phương trong giai đoạn đầu tư, như tính toán tại dự án thành phần 1.
Nguồn vốn còn lại khoảng 3.149 tỷ đồng được xác định sẽ hỗ trợ cho dự án PPP. Nguồn vốn cho dự án PPP còn thiếu sẽ được cân đối trong giai đoạn 2026-2030 khoảng 28.697 tỷ đồng.
Để giảm áp lực cho ngân sách trung ương, cơ quan lập dự án đề xuất Chính phủ thống nhất để các địa phương góp thêm 11.043 tỷ đồng từ các nguồn của địa phương, và khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường.
Còn lại ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 sẽ cân đối thêm khoảng 17.654 tỷ đồng để hỗ trợ cho dự án.
Đối với phần còn lại của dự án thành phần 1 khoảng 13.142 tỷ đồng và dự án thành phần 2 khoảng 9.399 tỷ đồng sẽ được các địa phương bố trí từ các nguồn của địa phương và khai thác quỹ đất hai tuyến đường.
Như vậy tổng mức đầu tư dự án (gồm lãi vay) là 94.127 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp ngân sách Trung ương là 31.904 tỷ đồng (35% tổng mức đầu tư). Vốn ngân sách địa phương là 33.583 tỷ đồng (37% tổng mức đầu tư).
Về chi tiết đóng góp, Hà Nội sẽ huy động là 25.856 tỷ đồng, Hưng Yên là 1.412 tỷ đồng, Bắc Ninh là 6.315 tỷ đồng.