Kỹ thuật "bơi tự cứu" khắc chế đuối nước

(khoahocdoisong.vn) - Mùa hè nào cũng có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Trẻ em hoàn toàn có thể học "bơi tự cứu" để không đuối nước.

Kỹ thuật bơi tự cứu

Chẳng may rơi xuống nước, dù không bơi được thành thạo, nhưng nếu đã học qua các kỹ thuật “bơi tự cứu” thì xác suất xảy ra đuối nước sẽ rất thấp. TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, người sáng tạo ra kỹ thuật “bơi tự cứu”, cho biết kỹ thuật này không hề tốn kém mà lại rất đơn giản, ai cũng có thể tập dượt để ứng phó nếu chẳng may rơi xuống nước. Cụ thể, khi người không biết bơi chẳng may rơi xuống nước có thể thoát chết nhờ 4 bước trong kỹ thuật “bơi tự cứu”. Đặc biệt, trẻ có thể học thuật này ngay cả trên cạn. 

Bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên. Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu. Bước 3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn. Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng.

TS Phạm Anh Tuấn cho biết, bằng phương pháp này, người không biết bơi có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian khá dài để chờ người đến cứu hoặc để nước đẩy vào chỗ nông hơn. Trẻ em mầm non có thể học phương pháp bơi này và thực hành ngay trên cạn. Trẻ cần được học rằng đuối nước không phải vì không biết bơi mà vì bị nước (hay một chất lỏng) xâm nhập vào khí quản gây ngạt thở, gây đuối sức. Nạn nhân ngạt thở lâu, não sẽ bị tổn thương, nếu cứu được thì hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng.

Hiểu nước để chung sống với nước

Theo TS Phạm Anh Tuấn, trẻ cần được học rằng đuối nước là rất nguy hiểm vì nó có thể xảy ra thầm lặng ở ngoài ngõ (biển, sông, ngòi, ao, hồ, đầm phá…) và ngay ở trong nhà (bể cá, chum vại, chậu, xô, máy giặt, bồn tắm có nước...). Nơi nào có mặt nước hở ra là nơi đó nguy hiểm. Bố mẹ cũng nên biết điều này. Muốn không bị đuối nước thì phải hiểu lực  đẩy nổi của nước để bình tĩnh thoát hiểm; để đừng đi bơi lội vào lúc nóng nực hay mưa lạnh gió bão; để đừng làm những điều dại dột. Phải hiểu nước để chung sống với nước.

Trẻ cần được học rằng sự vùng vẫy hoảng loạn của người không biết bơi khi rơi xuống nước là do người đó không biết cách thở trong môi trường nước và không biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước để thoát hiểm. Mọi cố gắng vùng vẫy lúc đó chỉ là để vẫn được thở như ở trên cạn mà thôi. Thở trong môi trường nước khác với thở khi ở trên cạn và ai cũng có thể tập thành thạo kỹ năng này chỉ với một chậu nước. Do lực đẩy nổi của nước và sức hút Trái đất, khi ta muốn vươn lên thì nước kéo ta xuống, khi ta muốn lặn xuống thì nước đẩy ta lên. Đấy là lý do, tại sao người bị đuối nước cứ vùng vẫy nhấp nhô lên xuống xung quanh mặt nước cho tới khi uống no nước, chìm xuống. Nếu biết thở, biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước thì đuối nước đã không xảy ra.

TS Phạm Anh Tuấn khuyên, hãy cho trẻ lặn thụt đầu vào nước và bật nhảy thoát hiểm trong phi nước 200 - 250 lít, hoặc trong bể bơi mini plastic sâu tầm 60-70 cm. Sau lặn là học thả nổi sấp. Những bài tập này giúp hình thành kỹ năng bơi lội và giúp trẻ biết về nước rõ hơn. Chú ý, trẻ chỉ được lặn / nổi kiểu này với sự giám sát của người lớn.

Theo Đời sống
back to top