Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc

nh Cự Chính còn có tên gọi khác là đình Con Cóc toạ lạc tại thôn Cự Chính, phường Nhân Chính (Thanh Xuân – Hà Nội). Trước kia, đây là đất làng Mọc nổi tiếng với tên chữ là Nhân Mục.

“Đầu tôi bị đứt lìa khỏi cổ thì có sống được nữa không?” – Câu hỏi của sứ quân vùng Siêu Loại khi gặp nạn đã trở thành một triết lý. Vị sứ quân ấy sau được thờ như thánh và trở thành Thành hoàng làng của Cự Chính.

1 trong 12 sứ quân

Đình Cự Chính còn có tên gọi khác là đình Con Cóc toạ lạc tại thôn Cự Chính, phường Nhân Chính (Thanh Xuân – Hà Nội). Trước kia, đây là đất làng Mọc nổi tiếng với tên chữ là Nhân Mục.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Thủ từ đình Cự Chính cho biết đình thờ Thành hoàng Lã Đại Liệu, thuộc dòng dõi nhà hào kiệt. Ngài là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Khi nhà Ngô tan rã, ông là một trong 12 sứ quân, chiếm cứ miền Tế Giang.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 1
Đình Cự Chính còn có tên gọi là đình Con Cóc.

Ngoài những tư liệu đó, đình Cự Chính gần như không có nhiều sử chép về vị Thành hoàng làng. Chúng tôi phải tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, ông Xương cho biết liên quan đến vị Thành hoàng làng Lã Đại Liệu có khá nhiều thuyết khác nhau.

“Bài văn tế viết thời Minh Mạng ca ngợi công đức Lã Đại Liệu như sau: Đại vương là bậc tinh tú do núi sông chung đúc, thông minh kỳ tài, vận nước nhờ ơn được yên ổn, người dân đội ơn được phúc lành”, ông Nguyễn Văn Thìn, Thủ từ đình Cự Chính.

Theo truyền thuyết làng Khoai (Văn Lâm – Hưng Yên) thì ông là người sở tại, thuở nhỏ còn có tên gọi khác là Lã Tá Phi hay Lã Đường vốn người cao lớn, thông minh, văn võ song toàn. Ông được sinh ra trong một gia đình hào trưởng giàu có. Lớn lên ông kế nghiệp cha lập ấp và cai trị nhân dân khu vực Tế Giang thời 12 sứ quân.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 2
Hình con cóc trên cột trụ đình.

Đình Bến ở huyện Văn Giang, nơi được cho là lỵ sở của ông khi xưa. Thời bấy giờ, nơi đây đất bùn lầy rất nhiều, quanh co, địa thế hiểm yếu. Khi nhà Ngô suy yếu, không còn khả năng kiểm soát địa phương, Lã Đường tự chiêu mộ và xây dựng lực lượng cát cứ, dựa vào địa thế hiểm yếu để cố thủ, chờ thời cơ nổi dậy.

Truyền thuyết ở khu vực chùa Bối Am, thuộc phạm vi căn cứ Đỗ Động Giang thì lại viết: Trước kia có một toán quân của Lã Đường tự Lã Tá Công, bị quân của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc vây hãm trong hang núi và bị chết đói hết cả. Điều này chứng tỏ đã có một cuộc tấn công của sứ quân Lữ Đường tới lãnh địa sứ quân Đỗ Cảnh Thạc.

Vẫn sống khi rơi đầu

Theo tài liệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cung cấp thì, đầu năm 968 sau khi chiếm lại vùng Bắc Ninh, vốn do các sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp và Lý Khuê cát cứ, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh chuyển quân về Siêu Loại cho Đinh Liễn và Nguyễn Bặc đem ba ngàn quân tiến đánh quân Lã Đường.

Lã Đường chủ trương tản quân, đóng giữ chỗ hiểm yếu. Hễ quân Hoa Lư đi đông thì tránh mà đi lẻ là chặn đánh, diệt một vài lính rồi lại bỏ chạy. Nguyễn Bặc bày kế cho quân Hoa Lư tập trung, tập kích quân lương tiếp vận của quân Lã Đường. Trong vòng 7 ngày, vòng đai phòng thủ bên ngoài của quân Lã Đường bị tiêu diệt hoàn toàn, Lã Đường bị chém chết.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 3
Vợ chồng Lã Đường còn được thờ ở Hưng Yên.

Thần tích đình Thắm, làng Đan Nhiễm của Văn Giang thì kể: Lã Tá Đường bị tướng Chu Công Mẫn đánh bại, bị chém đầu, thủ cấp bị mang về thành Hoa Lư. Chu Công Mẫn là người làng Đan Nhiễm, nên xưa dân 2 làng Phụng Công và Đan Nhiễm thường có hiềm khích với nhau.

Do có công cai quản và lập ấp ở địa phương, Lã Tá Đường được lập đền thờ ở đình Bến, xã Phụng Công. Người Phụng Công thường gọi chệch từ “đường” thành “đàng” để khỏi phạm húy và khi cúng thành hoàng làng thường có con heo không có đầu do sự tích ông bị chém đầu.

Ở ngay gần đình Bến có gò Nghè cũng là nơi hương khói thờ phụng Lã Đường. Tương truyền, xưa có một bà lão ngồi bán nước dưới lùm cây duối, phía trước có một lối mòn đi vào vùng lau sậy. Một buổi chiều bà giật mình nhìn thấy một người tay bê chiếc đầu của mình đầy máu, miệng vẫn còn thều thào hỏi: “Bà ơi đầu tôi bị đứt lìa khỏi cổ thì có sống được nữa không?”.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 4
Chuông đồng cổ đình Cự Chính.

Bà lão bê cái đầu lên nhìn thương cảm nói: “Người như thế này mà sống được có là người trời”. Lập tức người ấy ngã xuống dưới chân bà. Bà lão thương cảm chôn ông gần gốc duối già, thì tự nhiên vùng đất ấy cứ cao dần. Sau này người dân lập miếu thờ đặt là miếu Thánh Lã.

“Chuyện Thánh Lã bị chém đầu lìa khỏi cổ mà vẫn không tin sẽ chết và hỏi bà lão mang hàm ý oan nghiệt, không cam chịu số phận. Câu trả lời của bà lão cũng mang triết lý sâu sắc, rằng chỉ có người mẹ mới nói thẳng cho con hiểu được sự sống chết của mình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cho biết.

Sự tích đình Con Cóc

Ông Nguyễn Văn Thìn, Thủ từ đình Cự Chính cho hay, đình được xây dựng trên một thế đất đẹp: Ao đình được ví như là đĩa mực, gò trên ao đình là nghiên mực, con đường phía trước là cây bút gác lên đĩa mực, một thửa đất bên trái là trang sách mở. Mọi người đều cho là đất kỳ lân, lại có ao bút, gò nghiên nên đời đời thịnh vượng, làng có nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 5
Giếng đá ngay sau cổng đình từ thế kỷ 17.

Theo ời ông Thìn thì xưa kia ở hai cột trụ trước cửa đình có đắp nổi hai con Cóc to ngồi đối diện nhau với ước vọng của dân làng là cầu mưa. Thời trước dân Hoa Kinh định xây dựng ngôi đình to, quyên góp suốt hai năm vẫn không đủ tiền, công việc dở dang chưa biết tính liệu thế nào.

Có một trai làng làm quan võ cùng cha mẹ vui vẻ mang cóc vàng là chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với Chiêm Thành ra đình cung tiến. Dân làng cảm động, biết ơn và quyết định đắp hai con cóc trước cửa đình để mọi người khi ra vào đều nhìn thấy mà nhớ ơn người công đức.

Kỳ 8: Sứ quân ở đình Con Cóc ảnh 6
Quản Tượng ở đình Cự Chính.

Hiện nay, cạnh cổng đình còn có một giếng đá cổ, miệng giếng được trang trí hoa văn khắc hình cánh sen rất tinh xảo. Hai bên trụ cổng còn đôi câu đối:“Giếng đá cổ, hoa văn còn sắc nét/Nhà lục lăng, đáy nước vẫn in hình”.

Các nhà nghiên cứu căn cứ vào nét chạm khắc trên đá ở miệng giếng, cho rằng giếng được đào vào thế kỷ 17 hoặc sớm hơn. Trước mặt đình có vườn cây, có ao đình kè đá, giữa ao có nhà lục lăng, tạo dáng đầu đao cong cong mềm mại, nền nhà có đặt bệ đá là nơi tắm Thánh trong ngày lễ hội.

Phía bên trái đình hiện còn một ngôi miếu nhỏ mà theo ông Thìn thì trước kia miếu được quan Khâm sai Lê Hoan bỏ tiền cho xây dựng lại ở mé trái trước đình, có tên gọi là Miếu Hai cô. Sau này, khi tiến hành khôi phục lại đình dân làng dời Miếu lui về vị trí sau đình một chút, vì thế mà đình và miếu có lối đi chung.

Hiện nay tại đình Cự Chính còn lưu giữ nhiều di vật như ngai thờ, kiệu thờ, 21 bia đá và nhiều đồ thờ tự khác. Hằng năm, đình tổ chức tế lễ vào ngày 12 tháng Giêng và 18 tháng Mười âm lịch, để tưởng nhớ công đức Thành hoàng Lã Đại Liệu.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top