Kon Tum siết chặt kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm |
Theo đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và môi trường học tập cho học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn tình trạng các đối tượng mua bán các chất gây nghiện (ma túy) dùng các thủ đoạn như pha chế, tẩm ướp các chất ma túy vào trong thức ăn, đồ uống dưới dạng bánh, kẹo... để bán cho học sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo ảo giác, rối loạn nhận thức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố theo phân cấp quản lý quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến), trang thiết bị để bảo đảm đủ điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định cho các trường chưa đủ điều kiện.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các trường có tổ chức bếp ăn tập thể thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước: Kiểm tra trước khi chế biến thức ăn; kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn, nhất là nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, vận động phụ huynh thường xuyên quan tâm đến mọi hoạt động của con em mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường và không cho con em mua các loại thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn trước cổng trường, đồng thời, giáo dục cho các em nhận thức được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là thực phẩm có nguy cơ pha, tẩm chất gây nghiện; nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát và nghiêm cấm học sinh mua và dùng các loại thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn từ bên ngoài; có biện pháp xử lý nghiêm đối với học sinh cố tình vi phạm.
Theo đó, các UBND huyện/thành phố chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã, phường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường và kiểm tra các quầy hàng bán thực phẩm rong trước cổng trường cũng như các cửa hàng kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn gần các trường học, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm có nguy cơ pha, tẩm chất gây nghiện.
Nghiêm cấm việc bán hàng rong trước cổng trường; Yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh giáo dục cho học sinh nhận thức được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là thực phẩm có nguy cơ pha, tẩm chất gây nghiện và cấm không được mua thức ăn, đồ uống bên ngoài đưa vào trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đối với học sinh cố tình vi phạm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm các chất gây nghiện để phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định.