Đột quỵ não (stroke) hoặc cơn tai biến mạch máu não do mất đột ngột lưu lượng máu tới não (chảy máu não hoặc nhồi máu não) dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng gây tử vong.
Từ những năm của thập kỷ 80 trở lại đây, tỷ lệ tử vong ở các nước phát triển đã giảm nhờ chẩn đoán sớm và với các phương tiện hồi sức tích cực, tổ chức thành các đơn vị đột quỵ não, các thuốc mới đã điều trị có hiệu quả bệnh. Mặt khác nhờ hiểu biết cơ chế bệnh sinh, có các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng có hiệu quả nhất là điều trị bệnh tăng huyết áp, nên tỷ lệ mới mắc ở các nước phát triển đã giảm đáng kể. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, đột quỵ não là bệnh có thể dự phòng có kết quả bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng. Nếu điều trị sớm trong các giờ phút đầu, có thể hạn chế tử vong và di chứng. Một số biện pháp dự phòng thường được khuyến cáo hiện nay là:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Điều trị rối loạn lipid máu: Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống nhằm điều chỉnh rối loạn lipid máu, trong đó đặc biệt làm giảm cholesterol. Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.
Kiểm soát đường huyết: Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng.
Kiểm soát trị số huyết áp: Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg để làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn và đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim như: Rối loạn nhịp (đặc biệt là rung nhĩ), các tổn thương van tim, cơ tim đặc biệt là nhồi máu mới, nhồi máu cũ và bệnh lý cơ tim.
Thay đổi lối sống: Ăn uống khoa học, sống tích cực, luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe.
Phòng ngừa tình trạng đông máu bằng thuốc
Các thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng phổ biến trong thời kỳ cấp để ngăn chặn huyết khối tiến triển và tái phát. Chúng có lợi ích dự phòng lâu dài cho nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đột quỵ bao gồm rung nhĩ, tình trạng tăng đông.
- Chống kết tập tiểu cầu: Aspirin 50 - 325mg/ngày là thuốc được dùng chủ yếu. Có thể thay thế bằng clopidogrel 75mg/ngày khi dị ứng aspirin hay viêm, loét dạ dày, hành tá tràng. Bệnh nhân cũng có thể dùng viên kết hợp aspirin và dipyridamol hay cilostazon.
- Thuốc kháng vitamin K: Warfarin và các thuốc kháng vitamin K khác là các thuốc kháng đông đầu tiên được sử dụng ở bệnh nhân rung nhĩ. Liệu pháp kháng vitamin K giảm 2/3 nguy cơ đột quỵ và 1/4 tử vong so với nhóm chứng (aspirin hoặc không điều trị). Kháng vitamin K đã được sử dụng ở nhiều bệnh nhân trên khắp thế giới với kết quả tốt. Mặc dù có những hạn chế là cửa sổ điều trị hẹp, cần theo dõi thường xuyên và điều chỉnh liều nhưng kháng vitamin K với thời gian trong ngưỡng điều trị đầy đủ sẽ phòng ngừa hiệu quả đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.
- Thuốc kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K (NOAC) gồm thuốc ức chế trực tiếp thrombin (dabigatran) và ức chế yếu tố Xa (apixaban, edoxaban và rivaroxaban) là những thuốc thay thế thích hợp cho kháng vitamin K trong phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.
Điều trị kháng đông đường uống dài hạn với kháng vitamin K hoặc NOAC mang lại lợi ích ở bệnh nhân rung nhĩ sống sót sau đột quỵ. NOAC có vẻ mang lại kết quả tốt hơn chủ yếu do ít gây đột quỵ xuất huyết não hơn.
Đột quỵ não là một trong những bệnh lý tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội vì chi phí điều trị rất cao và tỷ lệ tàn phế rất nặng. Tuy nhiên đột quỵ não có thể phòng được khi chúng ta phát hiện và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch dễ tạo cục tắc như rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn…Vì vậy đối với những người cao tuổi nên khám bệnh định kỳ phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả theo đúng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh’’. Một khi đột quỵ đã xảy ra, bệnh nhân cần được nhanh chóng đến bệnh viện vào các đơn vị (trung tâm) đột quỵ để điều trị kịp thời giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế.
TS.BS Nguyễn Văn Triệu (Viện điều trị Cán bộ cao cấp Quân Đội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)