25% bệnh nhân đột quỵ phải chăm sóc hoàn toàn
Bệnh thường khởi phát đột ngột, biểu hiện bằng rối loạn ý thức (25-40%), đau đầu (60-90%), nôn, liệt nửa người (85-90%), nói khó hoặc không nói được (40-60%), liệt các dây thần kinh sọ não (60-80%), rối loạn cơ vòng (40-60%)...
Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân có liệt nửa người rất cao (90%), số ít có thể phục hồi hoàn toàn trở về cuộc sống (dưới 10%), còn đa phần để lại di chứng với các mức độ tự đi lại và tự chăm sóc bản thân (20-35%), đi lại khó khăn phải có trợ giúp một phần trong sinh hoạt (20-30%), đến mức bệnh nhân phải nhờ sự chăm sóc hoàn toàn (10-25%).
Mức độ di chứng phụ thuộc vào tình trạng bệnh và đặc biệt là công tác điều trị chăm sóc. Điều trị kịp thời, đúng thể bệnh, đúng phương pháp theo một quy trình chuẩn sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt nhất, hạn chế tối đa di chứng và biến chứng.
Đột quỵ não gồm hai thể chính là chảy máu não và nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ). Chảy máu não (CMN) là do mạch máu bị vỡ ra, máu chảy vào nhu mô não, não thất hoặc khoang dưới nhện; bệnh thường do tăng huyết áp (50-70%), dị dạng thông động tĩnh mạch, phình mạch não, rối loạn đông máu.
Nhồi máu não (NMN) là do lòng mạch bị bít tắc hoặc nghẽn, máu không được cấp đầy đủ cho vùng nhu mô não do mạch máu đó nuôi dưỡng; có thể do cục tắc ở tim trôi lên não, từ mảng vữa xơ mạch máu bung ra, co thắt mạch, viêm mạch máu não hoặc vữa xơ động mạch não gây huyết khối tại chỗ.
Cả CMN và NMN đều gây hậu quả chung là làm tổn thương một vùng nhu mô não quanh đó, mức độ tổn hại tế bào não phụ thuộc vào lưu lượng máu não và thời gian tổn thương. Nếu ổ tổn thương lớn, khi người bệnh qua được thường để lại một ổ tế bào não bị hoại tử, vùng đó sẽ mất chức năng vĩnh viễn. Tuy nhiên, xung quanh ổ hoại tử là vùng bán ảnh hưởng, vùng này nếu được điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì sẽ thu nhỏ được phạm vi nhu mô não bị hoại tử, giảm được di chứng của các triệu chứng thần kinh khu trú.
4 phương pháp hồi phục
Do người bệnh đột quỵ não thường bị liệt chân tay nên các khớp ít vận động hoặc không thể vận động được, để một vài tuần sẽ dẫn tới teo cơ, khớp cứng, lúc đó vận động rất khó khăn, đau khớp và thậm chí không vận động được. Như vậy, để điều trị tốt nhất cho đột quỵ nói chung, liệt chân tay nói riêng cần phải đồng bộ như sau:
Thứ nhất: Điều trị phục hồi vùng tế bào não bị tổn thương bằng thuốc là quan trọng nhất. Hiện nay, các trung tâm đột quỵ, khoa đột quỵ và một số ít đơn vị đột qụy ở các tỉnh có đủ điều kiện để điều trị chuyên khoa. Công tác điều trị cần tiến hành càng sớm, càng chuyên sâu càng tốt. Điều trị đúng giúp phục hồi bệnh nhanh, dự phòng bệnh tái phát
Thứ hai: Phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, tùy theo mức độ bệnh mà có những phương pháp tác động phù hợp cho từng người bệnh. Mục đích là để phòng tránh các biến chứng sớm như loét điểm tỳ, viêm phổi - phế quản, viêm đường tiết niệu do nằm lâu một tư thế và các biến chứng muộn là tránh cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, đau ở các khớp, huyết khối tĩnh mạch sâu.
Thứ ba: Kết hợp châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp giúp lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, kích thích ngược hệ thần kinh góp phần phục hồi liệt. Lưu ý với trường hợp đã chuyển sang liệt cứng cần tác động phù hợp nếu không sẽ làm tăng tình trạng co cứng cơ.
Thứ tư: Công tác hộ lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tư tưởng người bệnh. Điều này cũng khá quan trọng, bởi vì người bệnh đột quỵ thường là nhiều tuổi, hay mắc bệnh kết hợp. Khi bệnh nặng như trên thì thể trạng rất hao mòn, suy kiệt, suy giảm sức đề kháng và như vậy khả năng dung nạp thuốc kém, quá trình phục hồi kém, dễ bị nhiễm khuẩn.
Đột quỵ não có quá trình phục hồi bệnh chậm và lâu dài, cần có sự kiên trì, tránh quá sốt ruột nóng vội, nghe theo các phương pháp điều trị không khoa học. Thường bệnh phục hồi khá tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn 3 tháng tiếp theo, ngoài 6 tháng ra thì phục hồi rất chậm. Như vậy, nếu người bệnh được kết hợp điều trị đủ 4 liệu pháp trên một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả chuyển bệnh tốt nhất, hạn chế được tối đa di chứng và biến chứng, đưa lại cuộc sống tự chủ cho người bệnh đột quỵ não.
TS Nguyễn Văn Tuấn (Khoa đột quỵ não, Bệnh viện 103)