Không rõ mình đã làm chưa, làm bằng cách nào
Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ của mạng xã hội facebook, chủ đề stress gây giảm trí nhớ được chị em bình luận rộn ràng. Nhiều chị cho rằng, cuộc sống bận rộn và căng thẳng vì con cái khiến họ lúc nhớ lúc không. Chị lại cho rằng, áp lực công việc cao làm họ cũng vướng vào tình trạng không rõ mình… về nhà bằng cách nào.
Thậm chí có chị còn cho hay, sau khi tắm xong, không rõ mình đã tắm sạch chưa, vì không còn nhớ quá trình diễn ra thế nào. Đành vào tắm lại!
Theo chuyên gia tâm lý ThS Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm giáo dục tâm lý Ánh sáng, stress là cách gọi chung để chỉ những căng thẳng, áp lực gây căng thẳng thần kinh, mệt mỏi. Stress có thể chấm dứt sau một thời gian dưới những thay đổi của cuộc sống xung quanh người bị. Stress khác với trầm cảm.
Tuy nhiên, stress cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng của não bộ. Bởi sự ức chế thần kinh sẽ tác động đến não bộ, trong đó có việc suy giảm trí nhớ. Và quá trình giảm trí nhớ thường đi kèm suy nhược và xảy ra sau giai đoạn stress, hay nói cách khác chính là sau quá trình phục hồi.
Vị chuyên gia cũng cho hay, stress thường xảy ra với phụ nữ. Đây là đối tượng phải lo toan nhiều chuyện từ gia đình, con cái đến kiếm tiền, công việc…
“Sau khi sinh, phụ nữ phải tất bật lo lắng nhiều thứ. Điều này khiến họ sao nhãng nhiều việc gây quên quên nhớ nhớ. Đó thực sự chưa phải stress. Stress khi họ cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, hoang mang… dù không bận nhiều việc nhưng cũng khiến họ có thể quên nhiều việc đã và đang xảy ra với bản thân”, ThS Nguyễn Hồng Vân nói.
Lên kế hoạch ngăn giảm trí nhớ
Theo các chuyên gia, trí nhớ của con người ta phụ thuộc vào sự ghi nhận của bộ não thông qua nhìn, đọc, ghi, nghe… về hiện tượng đó. Khi đến thời điểm cần sử dụng thông tin, não sẽ cung cấp để cơ thể hoạt động. Nhưng khi stress, sự tiếp nhận một sự việc không như lúc bình thường, thay vào đó ghi nhớ này sẽ bị suy giảm, bị phân tán. Cùng với đó, do nhiều việc cần phải nhớ khi áp lực này dồn vào áp lực kia gây ra tình trạng nhận biết hiện tượng bị kém, hay nói cách dân gian là nhớ qua loa đại khái… Với cách này, não không ghi được thông tin đầy đủ, chính xác dẫn đến trí nhớ bị suy giảm.
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia nhấn mạnh, cần có kế hoạch cho công việc, cuộc sống phù hợp, từ đó giúp não bộ lấy lại sự thăng bằng. Với người càng bận rộn, áp lực càng cao thì cần học cách sống có kế hoạch càng sớm càng tốt.
Học cách sống có kế hoạch chính là lên lịch cần làm gì, ở đâu, làm việc gì trước việc gì sau. Cố gắng hoàn tất kế hoạch trong thời gian nhất định bằng làm việc chăm chỉ, chú tâm. Các công việc đó cần ghi ra giấy, lịch và để trước mặt. Tránh ghi nhớ vào não làm tăng áp lực vốn đã có. Đặc biệt, khi lên lịch cần dành một khoảng thời gian trống nhất định. Thời gian này giúp bạn nghỉ ngơi hoặc làm việc cần gấp, sự kiến bất ngờ. Nếu không có khoảng trống, áp lực càng tăng cao. Vì thế, hãy xác định khoảng trống cũng là cách giúp bạn không thấy bị chồng chất bởi công việc.
“Một người vững vàng tâm lý, tự tin vào kiến thức, sống chuẩn mực, làm việc chu đáo sẽ hạn chế được các áp lực dẫn đến tình trạng stress. Nhưng ở góc độ nào đó, họ lại dễ căng thẳng vì quá nghiêm khắc, đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho bản thân. Vì thế, hãy dung hòa, hòa đồng bản thân và môi trường xung quanh để giảm stress”, ThS Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm giáo dục tâm lý Ánh sáng.
Hà Trang