Kịch bản nào cho năm học mới 2021-2022?

Chưa đầy một tháng nữa là học sinh cả nước bước vào năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Kịch bản nào cho năm học mới đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành giáo dục.

Dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dạy học trực tuyến là lựa chọn tối ưu cho các nhà trường.

Để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết các nhà trường cần nắm rõ từng đối tượng học sinh. Phân loại đối tượng học sinh thành các nhóm (nhóm có đủ điều kiện để học trực tuyến; nhóm có điều kiện để học trực tuyến nhưng còn phụ thuộc vào khung giờ học của anh (chị, em); nhóm không thể học trực tuyến). Tiếp đó rà soát thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin của từng giáo viên và của đơn vị.

Cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác xã hội hóa để trang bị phần mềm dạy học trực tuyến (loại trả phí) cho giáo viên, tặng các thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích giáo viên xây dựng một số bài học và hoạt động giáo dục thành video, clip, bài giảng E-learning,… để giúp học sinh tự học và giúp phụ huynh hướng dẫn con tự học ở nhà. Xây dựng phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để các em giúp đỡ và chia sẻ với nhau trong học tập cũng như trong sử dụng các thiết bị học trực tuyến.

Ba phương án tổ chức dạy học

Hiện một số địa phương đã xây dựng kịch bản dạy học theo 3 phương án sau:

Phương án 1: Khi dịch được kiểm soát, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tổ chức dạy học trực tiếp với thời lượng chương trình 80% và tổ chức dạy học trực tuyến với thời lượng 20%.

Phương án 2: Dịch diễn biến phức tạp, tổ chức dạy học trực tiếp với thời lượng chương trình 50% và tổ chức dạy học trực tuyến với thời lượng 50%.

Phương án 3: Dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, tổ chức dạy học trực tiếp với thời lượng chương trình 20% và tổ chức dạy học trực tuyến với thời lượng 80%.

Đối với nhóm học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến cho các em theo kế hoạch. Đối với nhóm học sinh có điều kiện học trực tuyến nhưng còn phụ thuộc vào khung giờ học của anh (chị, em), các cơ sở giáo dục cần sắp xếp lịch học phù hợp để các em được tham gia.

Đối với nhóm học sinh không thể học trực tuyến, các cơ sở giáo dục cần thiết kế nội dung học dưới dạng Phiếu học tập để phát cho các em hoặc gửi lên nhóm Zalo, Messenger,… cho học sinh và phụ huynh (thu phiếu, chấm, chữa bài cho học sinh).

Tận dụng "thời gian vàng"

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý các địa phương, nhà trường cần linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học. Trong đó, cần tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp những nội dung quan trọng, cốt lõi.

Cần ưu tiên thời gian vàng để dạy học trực tiếp cho các lớp như sau: Đối với lớp 1, ưu tiên dạy học trực tiếp môn Tiếng Việt; đối với các lớp từ lớp 2 đến lớp 11, ưu tiên dạy học trực tiếp các môn Tiếng Việt (Ngữ Văn), Toán và Tiếng Anh; đối với lớp 12, ưu tiên dạy học trực tiếp các môn thi tốt nghiệp THPT và tổ hợp môn thi tuyển sinh vào Đại học. Cố gắng tăng thời lượng dạy học trực tiếp tối đa cho các lớp 1, 2, 6, 9 và 12 vì đây là các lớp học đầu cấp và cuối cấp rất quan trọng.

Năm học 2021-2022 sẽ là năm học gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp vì vậy “chủ động”, “linh hoạt” và “thích ứng” sẽ là những từ khóa xuyên suốt toàn năm học.

Theo laodong.vn
back to top