Khó “bắt” được virus Adeno
Tình trạng trẻ buồn nôn, tiêu chảy nhập viện gia tăng một phần các phụ huynh lo lắng sợ trẻ bị nhiễm virus viêm gan bí ẩn chưa rõ nguyên nhân cho hơn 300 trẻ trên thế giới, một số trẻ đã tử vong và 10% trẻ phải ghép gan. Biểu hiện đầu tiên của trẻ bị viêm gan cấp bí ẩn là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra. Các cuộc điều tra đang được tiếp tục. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh và đang chỉ đạo theo dõi sát sao. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, ngành y tế luôn cảnh giác vì bệnh viêm gan bí ẩn hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta.
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta hoang mang. Virus Adeno lây qua đường hô hấp, gây nhiễm trùng hô hấp là chủ yếu. Nhưng virus này cũng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác như đường tiêu hóa hay viêm kết mạc mắt, viêm bàng quang. Y văn cũng từng ghi nhận tình trạng tổn thương gan ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm virus Adeno.
“Những trường hợp tổn thương gan do virus Adeno trước đây là cực kỳ cá biệt, mức độ gặp phổ biến và nặng như chùm ca bệnh lần này là lạ”, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp nói.
Xét nghiệm men gan là xét nghiệm sinh hoá thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng thực hiện. Đây là biện pháp nhằm đánh giá chức năng gan có tổn thương, có tình trạng suy gan hay không. Vì tình trạng rối loạn chức năng gan là một biểu hiện sớm của bệnh viêm gan bí ẩn. Còn để đến giai đoạn bệnh nhân vàng da, vàng mắt rõ hay lơ mơ, hôn mê thì đã là quá muộn.
Tuy nhiên, tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan bí ẩn, mà cần có sự đánh giá kỹ càng của thầy thuốc khám bệnh. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp khuyên phụ huynh không nên quá hoang mang khi trẻ xuất hiện nôn trớ, tiêu chảy.
Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn nhưng đã có nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do virus Adeno gây ra. Virus Adeno không phải là virus mới và ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể xét nghiệm được loại virus này. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có hệ thống xét nghiệm chuẩn, được công nhận kết quả xét nghiệm ở hơn 130 quốc gia, nên Việt Nam hoàn toàn có thể xác định được bệnh nhân có mắc virus Adeno hay không.
"Tuy nhiên, căn bệnh viêm gan bí ẩn chưa hoàn toàn chắc chắn do virus Adeno thông thường gây ra mà có thể do chủng đột biến, cho nên dựa vào các kỹ thuật thông thường thì khó có thể "bắt" được đây là virus Adeno. Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần chờ đợi thêm thông tin từ các chuyên gia trên thế giới tìm hiểu để xem viêm gan bí ẩn do căn nguyên virus gì, tác nhân gì, có xuất hiện tình trạng đột biến hay không... Từ đó mới có đoạn gene đặc hiệu để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân chính xác của viêm gan bí ẩn.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, virus Adeno chỉ là một yếu tố kích hoạt tác nhân khác dẫn đến bệnh viêm gan bí ẩn, thậm chí có nghi ngờ cho rằng liên quan đến SARS-CoV-2... song đều chưa có bằng chứng khoa học", BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền lưu ý.
Virus Adeno được lây truyền từ người bệnh sang người khác qua đường tiêu hóa (phân của người bệnh có chứa virus), đường hô hấp (chất tiết đường hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi có chứa virus) và qua tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) hoặc gián tiếp (tiếp xúc với bề mặt hay vật dụng nhiễm virus của một người bệnh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng mà không sát khuẩn tay).
Biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt mũi miệng của mình) và ăn chín uống chín. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
Có bùng phát thành dịch?
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, phụ huynh không nên hoang mang vì nhiều trường hợp mắc viêm gan bí ẩn có thể do cơ địa, có bệnh lý chuyển hóa, gan yếu, hoặc họ đang bị viêm gan B. Quan trọng nhất, cha mẹ cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức khi trẻ vàng da toàn thân hoặc nước tiểu sẫm màu.
BS Trương Hữu Khanh phân tích, hiện nghi vấn lớn nhất do viêm gan virus là do Adeno type 41. Tuy nhiên, nếu virus Adeno là nguyên nhân của viêm gan cấp bí ẩn thì chắc chắn virus này đã lây cho rất nhiều người tại quốc gia có ca bệnh lưu hành. Bởi virus Adeno là một bệnh nhiễm virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi trẻ đều bị nhiễm virus Adeno ít nhất một lần trước 10 tuổi.
Virus Adeno type 41 lây lan qua đường phân-miệng và chủ yếu ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Đây là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Virus Adeno được công nhận là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, viêm gan thường liên quan đến nhiễm virus A, B, C, D và E, các virus khác như virus Adeno, CMV, EBV… có thể gây viêm gan, nhưng trường hợp này rất hiếm.
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền cũng cho biết, trong y văn mô tả các virus gây bệnh viêm gan thường lây qua đường tiêu hóa hoặc lây qua đường máu, chưa thấy có virus nào gây bệnh viêm gan lây qua đường hô hấp mà gây tổn thương gan rõ ràng như bệnh viêm gan bí ẩn.
"Nếu như có gây tổn thương gan thì thường là sau khi gây tổn thương đường hô hấp dẫn đến hậu quả suy đa tạng và tổn thương các cơ quan khác rồi mới đến tổn thương gan. Các virus lây qua đường hô hấp hiếm khi gây bệnh cảnh viêm gan bí ẩn như hiện tại" – vị chuyên gia này cho biết thêm.
Dựa vào mô tả triệu chứng các ca bệnh viêm gan bí ẩn trên thế giới thì đầu tiên, trẻ có triệu chứng ở đường tiêu hóa trước (trẻ đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…), sau đó vài ngày mới mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, đi tiểu vàng và suy gan. Không có trẻ nào có biểu hiện sốt. Chính vì vậy, theo nhận định của BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, khả năng cao tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường máu và đường tiêu hóa - đặc biệt là lưu ý đến đường tiêu hóa vì biểu hiện đầu tiên của trẻ chính là ở đường tiêu hóa.
Theo phân tích trên, nếu căn bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường máu, đường tiêu hóa thì khả năng bùng phát thành dịch hạn chế hơn là các virus lây qua đường hô hấp. Hiện các báo cáo ca bệnh trên thế giới vẫn lẻ tẻ, chưa ghi nhận bùng phát trên diện rộng giống như các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan cần đi khám
- Sốt cao, rối loạn tri giác.
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc.
- Cảm giác chung là cảm thấy không khỏe.
- Ăn mất ngon đau bụng, tiêu chảy, ói mửa...
- Nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt
- Vàng mắt và da, ngứa da.
- Đau cơ và khớp.