Không chủ quan với chứng chóng mặt

(khoahocdoisong.vn) - Chóng mặt thường là triệu chứng của các bệnh huyết áp thấp, tim mạch, rối loạn thần kinh, thiếu máu, hạ đường huyết, các rối loạn liên quan đến thị giác.

Thời gian gần đây công việc nhiều khiến chị Lê Thị Hiền (Hải Phòng) thường xuyên chóng mặt. Có hôm, buổi sáng chị sấp ngửa đi làm, quên ăn sáng, đến cơ quan chị thấy tai ù, chóng mặt, phải uống cốc sữa mới đỡ. Tham công tiếc việc, lại biết mình bị huyết áp thấp nên chị không đi khám, nếu chóng mặt thì uống sữa hoặc ăn vài cái kẹo là khỏi.

Lời bàn: BS. Hoàng Xuân (Chùa Bộc, HN) cho biết, chóng mặt thường là triệu chứng của các bệnh huyết áp thấp, tim mạch, rối loạn thần kinh, thiếu máu, hạ đường huyết, các rối loạn liên quan đến thị giác. Chóng mặt cũng có thể xảy ra khi mất nước, say tàu xe, căng thẳng, thay đổi hormon trong cơ thể hoặc các phản ứng phụ từ thuốc.

Người chóng mặt thường xuyên không nên chủ quan, không được bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa sáng vì bữa sáng cung cấp tới 40% năng lượng cho cả ngày. Khi thấy chóng mặt cần hít thở sâu để oxy vào cơ thể nhiều hơn, cung cấp cho não tốt hơn, giúp thư giãn hệ thống thần kinh và giảm chóng mặt. Ăn kẹo gừng cũng là giải pháp tốt vì gừng kích thích lưu lượng máu trong não, giảm buồn nôn. Có thể trị chứng chóng mặt bằng bấm huyệt. Nên bấm huyệt tam âm giao (vị trí ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn, sát bờ sau xương chày) tác dụng bổ âm, dưỡng  huyết, kiện tỳ thận trừ thấp. Bấm huyệt túc tam lý (vị trí dưới đầu gối 3 thốn, mép ngoài cẳng chân), tác dụng kiện tỳ, dưỡng huyết, thông  kinh  lạc. Nếu có đau đầu bấm huyệt phong trì (vị trí phía sau tai, chỗ hõm chân tóc), tác dụng thanh can hỏa, trị đau đầu, chóng mặt.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top