Keo dán móng làm bỏng da
Thông tin trên một số báo đăng tải, trong lúc đang tự gắn những chiếc móng tay giả bằng một loại keo chuyên dụng, bé gái Millie Jones (11 tuổi, ở Camarthen, South Wales, Anh) đã đánh đổ keo ra chân. Mặc dù qua một lớp quần bò nhưng da cô bé vẫn bị bỏng. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bé gái đã bị bỏng độ 3 và cần phải cấy ghép da. Các bác sĩ giải thích rằng, mặc dù keo dán móng tay thường vô hại, nhưng một số chất trong keo có thể có phản ứng nếu tiếp xúc với bông hoặc loại vải cotton. Vết bỏng của bé gái giống như bị đổ axit lên.
Cơ quan giám sát độc chất Liên minh EcoWaste (Philippines) cho biết, chất keo kết dính sử dụng để gắn móng tay giả có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Theo đó, ghi nhận trên nhãn ống keo có liệt kê các thành phần chất kết dính móng tay bao gồm: Acetone, hexamethylene, methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate – hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Móng tay giả có giá thành rẻ, màu sắc đẹp, có thể thay đổi liên tục. Nhiều người nghĩ móng tay giả thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì không phải là sơn trực tiếp lên móng tay thật. Nhưng thực tế, những nguy hại của việc gắn móng tay giả là không thể tránh khỏi. PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, một trong những chất độc hại là dibutyl phthalate (DBP) hay aceton. Nếu sử dụng ít thì không sao nhưng nếu lạm dụng thì vô cùng nguy hiểm.
DBP là chất dẻo hóa được sử dụng thông dụng trong các sản phẩm nhựa dẻo công nghiệp, có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, bệnh hô hấp và có thể gây giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ và thiểu năng tuyến sinh dục ở bé trai.
Chất độc thẩm thấu qua móng tay
PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, nhiều người vẫn nghĩ rằng móng tay là chất sừng, cứng và dày hơn da rất nhiều nên có thể sử dụng hóa chất trên đó mà không nguy hại gì. Tuy nhiên, móng lại có khả năng thấm hút rất tốt nên độc chất hoàn toàn có thể dễ dàng thấm vào máu. Các hóa chất được sử dụng để làm móng tay giả cũng nguy hiểm không kém sơn móng tay, nhẹ nhất là dị ứng, khó chịu do chất kích thích gây ra, tệ hơn là nhiễm trùng và các tai biến khác. Ngoài ra, việc mang móng giả có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Việc búng hoặc gõ móng giả có thể làm tróc móng thật, tạo kẽ hở cho các chất bẩn trú ngụ. Nếu không rửa sạch, sát khuẩn khi gắn lại, vi khuẩn và nấm có thể phát triển giữa hai móng và lan tới móng thật.
PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, thành phần của các chất làm sơn móng tay đều là hóa chất và không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt ảnh hưởng đến đường hô hấp. Trong các chất kể trên thì methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate (DBP) bị cấm hoặc hạn chế sử dụng tại một số nước. Dù móng dạng sừng nhưng là sừng sống, hóa chất sẽ ngấm qua móng vào máu. Keo dán phủ lên bề mặt móng để dán chặt móng giả gồm các thành phần PVC, nhựa còn nguy hiểm hơn cả sơn móng, nó bịt lại hết các lỗ xốp thoáng khí của móng, không cho móng hô hấp, khiến móng không phát triển được, lâu dần sẽ sinh bệnh hoặc chết. Ngoài ra, keo còn rất dễ cháy, rất nguy hiểm nếu để trẻ tự nghịch.
Da, móng tay trẻ em mỏng manh, dễ bị tổn thương, các thành phần độc hại tác động trực tiếp vào móng gây lở loét, thối, nấm móng, chưa kể về lâu dài các hóa chất sẽ ngấm qua móng vào cơ thể, nhiễm vào máu gây các bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, có thể dây vào mắt ảnh hưởng niêm mạc mắt, ngấm vào da, hít mùi bị bệnh đường hô hấp...