Hơn nửa triệu đồng/kg khoai lang
Tại một số cửa hàng, siêu thị tại TPHCM, sản phẩm khoai lang hấp Nhật Bản có giá lên tới gần 550.000đ/kg nhưng vẫn hút khách mua về ăn sáng, ăn vặt đặc biệt là giới nhà giàu. Loại khoai này được hấp chín, đóng vào túi hút chân không, khách mua về chỉ cần làm nóng lại là ăn được ngay. Mỗi túi có 2 hai lát khoai thái mỏng, vỏ màu tím, lòng màu vàng ươm.
Tuy là khoai lang hấp sẵn nhưng vì được đóng gói cẩn thận nên khách mua về có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 3 – 4 ngày mà vẫn đảm bảo độ ngon của chúng. Khoai lang Nhật Bản đang là món ăn vặt “sang chảnh” của giới văn phòng, thu hút sự chú ý của nhiều chị em. Dù có giá đến hơn nửa triệu/kg, nhưng có cửa hàng mỗi ngày bán được 40 – 50kg.
Khoai lang hấp Nhật Bản có giá lên tới gần 550.000đ/kg.
Bày tỏ sự ngạc nhiên về mức giá này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp cho biết, về cơ bản, khoai lang Nhật trồng tại một số vùng tại Việt Nam như Đà Lạt chẳng hạn với khoai lang Nhật được xuất khẩu sang Việt Nam chất lượng không thua kém gì nhau.
Có chăng cái khác ở đây là “niềm tin” của người tiêu dùng cứ mặc định hàng đắt là xịn, bổ, ngon. Khoai lang trồng trong nước hiện cũng có rất nhiều giống ngon, chất lượng tốt. Sở dĩ khoai lang Nhật Bản có giá thành cao như vậy không phải vì chất lượng của nó cao mà vì được tính toán dựa trên giá trị lao động của người Nhật, rồi công vận chuyển, bảo quản và chi phí nhập khẩu, đại lý.
“Không phải cứ đắt tiền thì đồng nghĩa chất lượng sẽ tương ứng. Loại khoai này có thể có phẩm chất dinh dưỡng tốt, nhưng chắc chắn không có quá nhiều khác biệt so với khoai trồng trong nước. Thậm chí có nhiều giống khoai lang nội địa có hàm lượng protein rất cao. Vậy nên người ăn nếu để thưởng thức cho biết thôi chứ không nên kỳ vọng nhiều”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch nhận định.
Chất lượng tương đương
GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết, hiện nay, trên thế giới có 7.007 mẫu giống khoai lang khác nhau, trong đó Việt Nam có 528 mẫu giống. Giống khoai lang Nhật Bản đã được đưa vào trồng ở Việt Nam từ lâu như giống HL518 vỏ củ màu đỏ đậm, thịt củ màu cam đậm, giống Kokey 14 vỏ củ màu đỏ, thịt củ màu vàng cam, giống Murasa Kimasari vỏ củ màu tím sẫm, thịt củ màu tím đậm, HL491 (Nhật tím), HL497 (Nhật cam)…
Khoai lang Nhật trồng tại một số vùng tại Việt Nam (như ở Đà Lạt) so với khoai lang Nhật được xuất khẩu sang Việt Nam có chất lượng không thua kém gì nhau.
Riêng giống khoai lang Beniazuma (Nhật Bản) được trồng nhiều ở Lâm Đồng, Đăk Nông và một số tỉnh phía Nam cho năng suất khá cao (15 – 16 tấn/ha), một số điển hình đạt trên 20 tấn/ha, chất lượng tốt. Củ khoai lang Beniazuma thậm chí được xuất khẩu ngược sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng nên không thể nói khoai lang của ta thua kém các nước được.
Trong khi đó, giá khoai lang Nhật trồng trong nước có thời điểm chỉ 6.000 – 7.000đ/kg, thời điểm giá cao nhất cũng chỉ khoảng 50.000đ/kg giá tại siêu thị.
“Khoai lang không thể bổ như nhân sâm, điều đó là chân lý. Bởi thế, chạy theo trào lưu, cho rằng như thế mới là “sang chảnh”, cho rằng ăn khoai đắt tiền thì bổ hơn khoai rẻ tiền là sai lầm. Và nếu cổ xúy cho trào lưu ấy thì nông nghiệp trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh. Khoai lang là loại nông sản bổ dưỡng và có sẵn trong nước, nên tốt nhất là sử dụng sản phẩm trong nước, vừa rẻ vừa ngon, lại là cách giúp người nông dân trồng khoai có đầu ra, hơn là bỏ hàng nửa triệu đồng chỉ để mua một sản phẩm cùng chất lượng. Có lẽ đã đến lúc, người Việt phải xóa bỏ tâm lý sính ngoại trong tiêu thụ nông sản”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết thêm.
Bảo Khánh
Ở Hà Nội hay TPHCM, tôi thấy người ta bán khoai lang nướng với giá 1 – 2USD/củ. Thực tế đó đâu phải là những củ khoai có giá trị dinh dưỡng cao nhất mà do người bán, vị trí bán và do lựa chọn của cả khách mua đấy chứ, GS.TS Nguyễn Quang Thạch.