Khó tiếp cận thị trường thực phẩm 1.400 tỷ USD của người Hồi giáo

Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal dành cho người Hồi giáo của Việt Nam mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường này lên tới 1.400 tỷ USD.

“Thực phẩm Halal” là thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo. Các sản phẩm nhập khẩu vào các quốc gia hồi giáo chỉ được lựa chọn khi sản phẩm đó có dấu Halal trên bao bì sản phẩm.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal dự kiến đạt 1.400 tỷ USD năm 2020, dự kiến lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - nhận định, tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm Halal rất hứa hẹn do có lợi thế sở hữu nguồn nguyên vật liệu thô dồi dào như: cà phê, gạo, các sản phẩm chế biến, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn “mở đường" vào thị trường này. Mới chỉ có khoảng 50 công ty và 20 mặt hàng Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal. 

Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD.

Nguyên nhân do khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là giấy chứng nhận Halal. Tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, sự đa dạng và phức tạp trong quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal của mỗi nước cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại.

Hơn nữa, hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống Halal và nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm.

Theo Đời sống
back to top