Kênh nhà Lê – con kênh ngàn năm tuổi – kỳ 2: Mạch máu giao thông

Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm tuổi, kênh nhà Lê là mạch máu giao thông đã góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước của dân tộc. Không chỉ có tác dụng về quân sự, kênh nhà Lê còn góp phần quan trọng cho việc giao thương, buôn bán, thực sự là  mạch máu giao thông trong vùng.

Kênh nhà Lê.

Tác dụng về quân sự và giao thương

Công trình tuyến kênh xuyên qua Châu Hoan này đã linh hoạt sử dụng các đoạn sông, suối tự nhiên (đi cùng hướng) tiếp nối vào nhau tạo thành dòng lưu thông trong đất liền, đồng thời đường kênh ăn thông ra các cửa lạch biển Đông, như đoạn kênh vùng tây Nghi Lộc hòa vào sông Cấm thông ra Cửa Lò, nối đoạn kênh Sắt với sông Bùng thông ra Cửa Vạn, lại theo sông Dân và sông Đò Ông ra cửa Quèn…

Mặc dầu con kênh qua nhiều đoạn mang nhiều tên khác nhau, nhưng với toàn tuyến Nam – Bắc dài hàng trăm dặm này, nhân dân ta quen gọi tên chung là kênh nhà Lê (để ghi nhớ công lao của nhà Tiền Lê và cả thời Hậu Lê). Bất luận trong điều kiện khó khăn qua vùng đá rắn hay giữa vùng đất thịt, đất cát, đầm lầy lòng kênh vẫn có chiều sâu 3 – 4m, vách kênh ổn định và nước trong lòng kênh tứ mùa vẫn đầy.

Thời nhà Trần đã có nhiều lần nhà vua cho tu bổ, nạo vét lòng kênh trong khi quân Nguyên kéo vào xâm lược nước ta và cũng là khi “Hoan- Diễn do tồn thập vạn binh” (Hoan – Diễn còn kia mười vạn quân).

Tháng 11 năm Canh Dần (1470) vua Lê Thánh Tông thống lĩnh hàng chục vạn quân, thân chinh đi dẹp loạn Chiêm Thành đã dùng hàng trăm thuyền chiến theo đường thủy đến đoạn kênh Sắt vòng qua sông Lam và cùng ba quân tạm nghỉ ở doanh trấn Lam Thành (Hưng Nguyên), sau đó đoàn thuyền chiến ra cửa Đan Thai, tiến thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, quan quân Chiêm Thành không kịp trở tay.

Con kênh đào nhà Lê không chỉ có tác dụng về quân sự, mà trong suốt chiều dài lịch sử kênh nhà Lê là mạch máu giao thông góp phần quan trọng cho việc buôn bán. Đó là con đường vận chuyển hàng hóa trong mùa dông bão ở Nghệ An và sang các tỉnh bạn mà không cần phải ra biến, tránh được gió to sóng lớn.

Cuối thế kỷ XVIII, trong cuốn Thượng Kinh ký sự Lê Hữu Trác đã thuật lại chuyến đi từ xứ Nghệ ra Kinh thành Thăng Long theo lời mời của chúa Trịnh, hành trình đã diễn ra phần lớn trên những dòng kênh này, thông suốt từ Nghệ An ra Thanh Hóa đến Ninh Bình…

Cuối thế kỷ XVIII vào cuộc chiến với nghĩa quân Hoàng Xuân Ôn đón lõng ở vùng kênh Mỹ Lý (huyện Diễn Châu) đánh tả tơi đoàn thuyền chiến của giặc Pháp.

Mạch máu giao thông

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, đường bộ bị hư hỏng nặng, kênh nhà Lê là mạch máu giao thông cùng các con sông khác trong vùng đã chung sức làm nhiệm vụ vận tải lương thực khí giới cho cuộc chiến phục vụ cho nhu cầu đánh giặc và cuộc sống của nhân dân, cung cấp nguồn nước cho những ngày nắng hạ.

Từ 1964, bước sang một cuộc kháng chiến mới – kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, kênh nhà Lê là mạch máu giao thông đóng vai trò quan trọng. Trên dòng kênh này, các con thuyền vận tải nắm vững bến bãi, luồn lách đem hàng hóa, vũ khí, lương thực và mọi nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc kháng chiến mới.

Biết bao nhiêu trận bom đạn đế quốc Mỹ đã đổ xuống dòng kênh nhưng kênh Sắt vẫn hiên ngang giữ vững mạch máu giao thông, đoàn chiến binh vận tải trên kênh nhà Lê vẫn vươn mình đi lên phía trước “Tất cả vì tiền tuyến miền Nam! Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, con kênh ngàn năm tuổi – kênh nhà Lê vinh dự được góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước quê hương mang lại nguồn sống cho nhân dân, giữ vững môi trường sinh thái trong lành.

         Trịnh Dương

Theo Đời sống
back to top