Sản xuất mỹ phẩm chứa Acid salicylic…
Cục Quản lý Dược vừa ban hành Công văn số 3524/QLD-MP ngày 23/10/2024, về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma. Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và sản xuất: Công ty TNHH Vương Kim Long (Công ty Vương Kim Long, 267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM).
Lý do thu hồi được xác định là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 004755/18/CBMP-HCM; lô sản phẩm mỹ phẩm sản xuất sau ngày hết hạn của số tiếp nhận Phiếu công bố; tên sản phẩm ghi trên nhãn không thống nhất với tên sản phẩm trên phiếu công bố “Kem thoa mặt IQ”; tên tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất không thống nhất với Phiếu công bố “Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long”; mẫu nhãn sản phẩm lưu thông không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT.
Một phần Công văn số 3524/QLD-MP ngày 23/10/2024 của Cục Quản lý Dược, về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma. Ảnh chụp màn hình. |
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long phải: Gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 22/11/2024.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP HCM giám sát Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long trong việc thực hiện thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma không đáp ứng quy định.
Sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma của Công ty Vương Kim Long. |
…Ghi tên công ty “mập mờ”
Liên quan đến sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma, ngày 15/10/2024, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi có công văn số 520/TTKN gửi Cục Quản lý Dược, kèm theo Phiếu kiểm nghiệm số 777/PKN ngày 14/10/2024 và hồ sơ liên quan báo cáo lô sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma - Hộp 1 lọ 8g. Trên nhãn hộp ghi Số lô: 112022; NSX: 02/11/2022; HSD: 02/11/2025; Sản xuất theo TCCB: 004755/18/CBMP-HCM; số đăng ký: 0052/01/QLD-CL; Sản xuất tại: Công ty TNHH Vương Kim Long, địa chỉ: 267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú.Trên nhãn lọ: không thể hiện số lô sản xuất.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi lấy mẫu tại Shop mỹ phẩm Hải Đường (88 Ngô Quyền, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
Phiếu kiểm nghiệm số 776/PKN ngày 14/10/2024 và hồ sơ liên quan báo cáo lô sản phẩm Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma - Hộp 1 lọ 8g. Trên nhãn hộp ghi Số lô: 022024; NSX: 20/02/2024; HSD: 20/02/2027; Sản xuất theo TCCB: 004755/18/CBMP-HCM; số đăng ký: 0052/01/QLD-CL; Sản xuất tại: Công ty TNHH Vương Kim Long (267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú). Trên nhãn lọ: không thể hiện số lô sản xuất.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi lấy mẫu tại Shop mỹ phẩm Việt Cẩm (52 Lê Đình Cẩn, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma của Công ty Vương Kim Long rao bán trên trang Lazada. Ảnh chụp màn hình. |
Theo Phiếu công bố: 004755/18/CBMP-HCM đã được Sở Y tế TP HCM cấp ngày 05/10/2028 (thời hạn hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký) cho sản phẩm với tên Kem thoa mặt IQ, Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và sản xuất: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long. (267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM). Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm ghi tên sản phẩm là Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma và tên tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là “Công ty TNHH Vương Kim Long”.
Như vậy, tên sản phẩm và tên cơ sở sản xuất ghi trên nhãn không thống nhất với tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất trên phiếu công bố. Riêng đối với lô sản phẩm số 022024 được sản xuất ngày 20/02/2024 sau ngày hết hạn của số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Thông tin trên trang Tra cứu mã số thuế, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long thành lập ngày 8/3/2000, ông Tú Tuấn Hưng là người đại diện pháp luật.
Ngoài ra, ông Tú Tuấn Hưng còn đại diện các doanh nghiệp: Chi nhánh 1 Công ty TNHH sản xuất - thương mại Vương Kim Long (Ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh- mã số thuế 0301942117-001); Công ty TNHH Một thành viên y tế Việt Mỹ (271 Khuông Việt, hường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM- mã số thuế 0310492136).
Từng bị xử phạt, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng xử phạt Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm.
Cụ thể, công ty này đã “Sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”. Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt 75,5 triệu đồng đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long, buộc thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm đã sản xuất.
Công ty này cũng từng bị Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi lô mỹ phẩm Kem thoa mặt IQ (IQ Vitamin E Whitening Melasma Cream) do vượt giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (chỉ tiêu thủy ngân); Nhãn sản phẩm không ghi số lô sản phẩm theo quy định.
Cụ thể, căn cứ kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương đối với mẫu sản phẩm lấy tại cửa hàng siêu mỹ phẩm Hạnh Thơm (số 158 Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) để kiểm tra chất lượng.
Kết quả, mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (chỉ tiêu thủy ngân). Nhãn sản phẩm không ghi số lô sản phẩm theo quy định; Ngày sản xuất: 10/02/2020; Hạn dùng: 10/02/2023; SCB: 004755/18/CBMP-HCM do Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Kim Long (số 267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM)...
Khảo sát ngày 27/10, trên website https://myphamvina.net, sản phẩm kem dưỡng trắng da sạch nám Thái Lan IQ Vitamin E – 8g bán với giá 95 nghìn đồng; tại trang thương mại điện tử Lazada, rao bán “Kem dưỡng da IQ vitamin E Whitening Melasma Cream - Thái Lan”, với giá 90 nghìn đồng, kèm dòng quảng cáo: “…Tăng cường khả năng làm trắng da tự nhiên, độ chống nắng SPF50++ có trong kem ổn định làn da lúc đi nắng. Bổ sung lượng Vitamin E cần thiết cho da, giúp da căng mịn và trắng sáng”.
Một số người đặt câu hỏi, liệu sản phẩm trên có thực sự tốt cho da như quảng cáo? Không biết sản phẩm được rao bán công khai có nằm trong diện bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi, tiêu huỷ?
“Nếu là sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng, việc sử dụng lâu ngày có gây hại cho sức khỏe không? Công ty có hoàn tiền khi khách hàng trả sản phẩm này?”, chị Hà Thị Phương Dung (huyện Nhà Bè – TP HCM) lo lắng.
Trả lời báo chí, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn, mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.
Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là những loại có chứa corticoid, bác sĩ phải căn cứ vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém về tiền bạc.
Để làm đẹp an toàn, bác sĩ Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, mọi người cần lưu ý làm đẹp đúng cách. Phải mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bán tại những cơ sở uy tín, có tem nhãn, tiêu chuẩn, số đăng ký, hạn dùng rõ ràng. Trước khi quyết định làm đẹp da hay chữa mụn trứng cá, thâm nám da bằng bất cứ sản phẩm nào, nên có tư vấn của bác sĩ da liễu…
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) dẫn khoản 1, khoản 2, Điều 50, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng với hành vi sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng; buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 50; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các hành vi quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 điều này.
Trường hợp cố tình kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (khoản 2, Điều 51, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Trong ngành y tế, acid salicylic xuất hiện trong dầu gội trị gàu và các loại thuốc kháng viêm steroid dùng để điều trị các bệnh ngoài da như viêm da tiết bã, vảy nến, mụn trứng cá.
Trong mỹ phẩm, acid salicylic là một thành phần khá phổ biến, có mặt nhiều nhất trong sữa rửa mặt, serum, sản phẩm chấm mụn và peel da hóa học.
Tác dụng phụ chính của acid salicylic là khả năng gây kích ứng và làm khô da, nhất là ở những người lạm dụng thành phần này để làm đẹp. Vì lý do này mà những ai thuộc tuýp da khô và da nhạy cảm nên cân nhắc tránh sử dụng acid salicylic hoàn toàn.
Mặt khác, acid salicylic cũng làm da trở nên yếu ớt hơn trước tác động ánh sáng mặt trời. Lúc này, nếu không thực hiện chống nắng kỹ càng, nguy cơ bị nám và tổn thương da là rất cao.
Trong những trường hợp hiếm, việc thoa acid salicylic trên diện rộng có thể dẫn đến ngộ độc salicylate. Ngộ độc salicylate ảnh hưởng nghiêm trọng đến người trẻ tuổi và người mắc bệnh gan hoặc thận.
Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, mất sức, thờ ơ, thở gấp, tiêu chảy và rối loạn tâm thần.
Lưu ý: Hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng các chế phẩm chứa acid salicylic để đề phòng các tác dụng phụ không mong muốn.