Kế sách trị bình

(khoahocdoisong.vn) - Kế sách trị bình của Trạng nguyên Giáp Hải: Bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi, giúp đỡ dân, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. 

Kế sách trị bình của Trạng nguyên Giáp Hải: Bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi, giúp đỡ dân, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. 

Hiến kế giữ nước

Tháng 11/1577, Giáp Trừng vin cớ thấy sao chổi xuất hiện đã dâng sớ khuyên vua Mạc Mậu Hợp 6 điều: lễ vật dùng tế lễ phải thành kính cẩn thận; nếu vua có lòng nhân, thì bề dưới không kẻ nào không nhân; nước nào cả vua tôi trên dưới đều chạy theo mối lợi thì nước ấy sẽ nguy vong; Quốc gia lụn bại do quan tham; Nước nương tựa vào dân; Quân muốn thắng trận thì các tướng phải hoà hợp với nhau. Mạc Mậu Hợp nhận nhưng không làm theo ý tờ sớ này.

Ngày 21/2/1578, Mạc Mậu Hợp phong thêm hàm Thiếu bảo cho Thượng thư bộ Lại, Luân quận công Giáp Trừng. Giáp Trừng cố từ không nhận nhưng Mậu Hợp không cho từ.

Niên hiệu Quang Hưng thứ 2 (1579) tháng 3, Mạc Mậu Hợp thăng Giáp Trừng lên chức Binh bộ Thượng thư, Chưởng lục bộ sự, nắm quyền điều hành công việc của tất cả 6 bộ trong triều.

Ngày 23/9/1581, Giáp Trừng vào triều yết kiến xin về quê. Mạc Mậu Hợp "lại ban chỉ dụ gọi Thiếu bảo Luân quận công Giáp Trừng ra nhận chức và tham bàn chính sự trong triều giúp quyết đoán cơ mưu quân sự, cần phải nghĩ yêu nước quên nhà".

Trong dịp này, nhân có mưa bão lớn, Giáp Trừng dâng sớ, hiến kế giữ nước, trong đó có những lời tâm huyết: "Hiện nay những lính mới tuyển vào các doanh phần nhiều khí giới chưa tinh nhuệ, kỹ thuật chiến đấu chưa tinh, thuyền bè chưa chỉnh đốn, lại gặp thiên tai cảnh cáo chính là lúc đáng sợ nhất. Cho nên những chính sách trị an và tu chỉnh, không thể không rất cẩn thận.

Nên nghiêm minh pháp luật, thu vén kỷ cương, giữ vững nơi bờ cõi, tu sửa các thành quách, luyện tập binh mã, chỉnh bị khí giới, đóng thuyền dựng trại, định phiên thường trực, đúng kỳ phải tới, ban hiệu lệnh, hằng ngày tập luyện, cốt cho thật giỏi, chờ thời cơ sẽ phát động.

Lại cần bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi dân mà không bắt dân khốn, giúp đỡ dân mà không bắt dân mệt, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. Đó là kế sách trị bình vậy". Mậu Hợp xem xong tờ sớ này liền ban lời uý dụ Giáp Trừng và triệu tới kinh sư để làm việc tại triều đường...

Về giả thuyết quê ở Bát Tràng

Sử xưa đều cho rằng Giáp Hải quê ở Bát Tràng, quê ngoại ở làng Công Luận, làm con nuôi người họ Giáp ở Dĩnh Kế, nhờ mẫu thân không tham bạc rơi nên được một thầy địa lý phương Bắc đặt mộ tổ tiên vào nơi vượng phát để rồi ông học hành đỗ đạt cao.

Chuyện rằng, mẹ Giáp Hải là người làng Công Luận, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, khi còn trẻ nghèo lắm, chỉ có một gian nhà tranh ở cạnh đường bán hàng nước. Bấy giờ có một người Tầu đi qua, vào hàng nghỉ, lúc đi bỏ quên một túi bạc. Cách nửa tháng nữa mới hốt hoảng lại hỏi thì bà đem ra trả lại, vẫn nguyên như lúc trước. Người khách xin biếu lại một nửa, bà ấy không lấy mà nói rằng: - Tôi chỉ vì không ưa của bất nghĩa nên mới nghèo thế này, sao bây giờ tôi lại chịu lấy của ông.

Người khách cảm tạ bụng ấy, mới hỏi rằng: - Mồ mả đấng tiên nhân nhà bà ở đâu, tôi tìm giúp cho bà một ngôi đất hay. Bà nói: - Tôi là đàn bà, chỉ có trọi một mình, không có anh em nào cả. Nay đã ngoài bốn mươi tuổi, dù được đất hay bao giờ phát đạt? Mà phát đạt thì làm gì nữa?

Người khách nói: - Nếu được chỗ đất hay, thì dầu đàn bà cũng phát phúc. Nói rồi bà mới đưa người khách đến chỗ ngôi mộ người cha. Người khách lập tức tìm đất cho, rồi dặn rằng: - Về sau thấy ai có nạn đến đây sẵn lòng mà cứu người ta, thì sẽ có sự may mắn.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top