Thử nghiệm đầu tiên của hệ thống laser trên máy bay thành công hoàn toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz ca ngợi là một “bước đột phá công nghệ” lớn. Đây cũng là lần đầu tiên Israel sử dụng tia laser năng lượng điện, thay vì sử dụng laser hóa chất trong các cuộc thử nghiệm trước đó.
Bộ trưởng Benny Gantz nói “Cuộc thử nghiệm thành công đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu quan trọng khác trong khả năng phòng thủ đa cấp của chúng ta, đó là có được khả năng phòng ngự với chi phí thấp hơn. Hệ thống laser sẽ bổ sung khả năng phòng thủ trên phạm vi lớn và chống lại các mục tiêu đa dạng, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí đánh chặn và bảo vệ quốc gia này. Tôi chắc chắn rằng các ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta sẽ thành công trong dự án quan trọng này và cá nhân tôi sẽ tham gia vào cùng toàn bộ hệ thống để thúc đẩy dự án”.
Ebit Systems đã thiết kế và phát triển hệ thống đánh chặn laser, các cuộc thử nghiệm được thực hiện với sự phối hợp của không quân Israel, Cục Phát triển Vũ khí và Cơ sở Hạ tầng Công nghệ của Bộ Quốc phòng (MAFAT theo tiếng Do Thái). Dự án bao gồm vũ khí laser trên không do Elbit phát triển và vũ khí laser mặt đất do Công ty Hệ thống vũ khí tiên tiến Rafael phát triển.
Lãnh đạo bộ phận R&D tại MAFAT cho biết, hệ thống hoàn toàn tự động, có thể theo dõi và đánh chặn một số máy bay không người lái trên phạm vi hơn một km. Hệ thống này hướng tới mục đích đánh chặn các mục tiêu trên phạm vi hàng trăm km trong vòng thập kỷ sắp tới và sớm hơn là trong phạm vi hàng chục km.
Ý tưởng sử dụng tia laser đánh chặn rockets lần đầu tiên được nghiên cứu vào những năm 1990, sau Chiến tranh Lebanon lần thứ hai, Israel tiếp tục các nỗ lực phát triển một hệ thống đánh chặn, song song cùng với sự phát triển của Iron Dome.
Một hệ thống sử dụng công nghệ laser, nghiên cứu phát triển từ những năm trước, rẻ hơn nhiều so với Iron Dome đồng thời nhằm bổ sung cho vũ khí này, cũng như cho David's Sling (trước đây được gọi là Magic Wand) đánh chặn các mục tiêu tầm trung và Arrow -3 đánh chặn các mục tiêu tầm xa.
Công ty Elbit và Rafael sẽ hoàn thành các nguyên mẫu trong ba hoặc bốn năm và sau đó hệ thống vũ khí laser thực sự đầu tiên dự kiến được triển khai trên vùng ranh giới Dải Gaza.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đánh chặn bằng hệ thống laser công suất lớn trên không có nhiều lợi thế, bao gồm chi phí đánh chặn vài đô la, khả năng đánh chặn các mối đe dọa từ phạm vi rất xa, đồng thời trên độ cao lớn không bị hạn chế bởi thời tiết. Cho phép phòng thủ trên một vùng rộng lớn.
Kết hợp công nghệ laser vào các phương tiện bay đường không là một bước đột phá quan trọng, tạo ra sự thay đổi chiến lược trong khả năng phòng thủ trên không của Israel. Đây là một thành công lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng Israel, Tel Aviv là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ laser.