Huyết áp thất thường sau khi đi du lịch

(khoahocdoisong.vn) - Người cao tuổi ở nhà nhiều không sao, nhưng đi chơi xa, về quê hay đi du lịch thường chỉ số huyết áp thay đổi, lên xuống thất thường, điều này do đâu?

Huyết áp tụt do thay đổi thời tiết

Bà Lê Thị Lành (Minh Khai, Hà Nội) vừa đi thăm con ở nước ngoài về đã phải nhập viện vì tụt huyết áp. Đang đi thang máy, tự nhiên bà thấy mệt lả, xây xẩm mặt mày, buồn nôn và quỵ xuống, những người xung quanh nghĩ bà ngất nên đưa ra chỗ thoáng, cho uống cốc trà gừng, dần dần bà hồi phục lại. Còn bà Trần Thị Yến (66 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) cũng vậy. Tự nhiên đang nóng chuyển lạnh làm cho huyết áp bà tụt xuống dưới 90/60 mmHg. Vì chóng mặt nên bà nằm bẹp cả ngày, chẳng dám đi đâu.

PGS. TS Nguyễn Minh Hiện, Trưởng khoa Đột quỵ não, BV Quân y 103 cho biết, bệnh huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Trước đây người ta lo nhất là huyết áp cao vì dễ gây ra đột quỵ. Huyết áp cao có thể gây tổn thương đến tim, não, thận, thời gian dài dẫn đến xơ vữa động mạch, suy yếu, làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong não hoặc có thể khiến chúng vỡ ra - một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Tuy nhiên huyết áp thấp, dưới 90/60 mmHg làm ảnh hưởng tới dòng máu nuôi não, có thể gây ra thiếu máu não, là nguyên nhân đưa đến đột quỵ.

Theo các chuyên gia, huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm, kích thước cũng như độ đàn hồi của thành động mạch. Ở người bình thường, huyết áp tâm thu là 100 – 140mmHg, huyết áp tâm trương là 70 – 90mmHg và cứ dưới chỉ số này là huyết áp thấp, trên chỉ số này là huyết áp cao. Đối với người mắc bệnh huyết áp thì khi thời tiết thay đổi phải cẩn thận. Việc ổn định huyết áp là rất quan trọng, bất kỳ  sự tăng giảm nào so với mức bình thường đều đáng lo ngại.

Dinh dưỡng thay đổi, chỉ số huyết áp cũng thay đổi

Những người mắc bệnh huyết áp thường được khuyên hạn chế ăn mặn, tuy nhiên khi đi chơi xa, việc ăn uống, kiêng khem không thể chủ động như ở nhà, chế độ ăn thay đổi, hoạt động nhiều hơn cũng khiến chỉ số huyết áp thay đổi. Một trong các nguyên nhân làm tăng huyết áp thường được nói đến là việc sử dụng lượng muối natri trong khẩu phần thức ăn hàng ngày. Người mắc bệnh huyết áp có người nhạy cảm với muối, có người không nhạy cảm với muối do tính thấm của màng tế bào đối với muối natri khác nhau, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, chế độ ăn không nên quá 6g muối mỗi ngày để phòng ngừa căn bệnh huyết áp, tim mạch. Khi đi chơi xa vẫn cần hạn chế ăn thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn vì các loại thực phẩm này thường chứa nhiều muối. Đối với chất béo cũng vậy, khi ta đưa quá nhiều chất béo vào cơ thể sẽ làm tăng lượng cholesterol “xấu” (được chứng minh có liên quan đến đột quỵ). Cơ thể nạp quá nhiều chất béo sẽ cản trở máu lưu thông đến não, gây ra căn bệnh thiếu máu não.

Ở một số người mắc bệnh huyết áp thấp, do chế độ kiêng khem quá khắt khe, lại hoạt động nhiều khi đi du lịch có thể khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng gây tụt huyết áp (đó là chưa kể đến sự thay đổi thời tiết). Khi tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%. Nếu huyết áp thấp kéo dài, có thể làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, người mắc bệnh huyết áp dù cao hay thấp đều cần tập luyện thể thao, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thuốc điều trị huyết áp thường xuyên, giữ cảm xúc ổn định, không để bị kích động, giữ ấm ngực, cổ, đường hô hấp khi thời tiết thay đổi, không sử dụng chất kích thích, đi chơi nếu mệt thì nghỉ, không nên gắng sức…Sống chung với bệnh đối với một số người là khó nhưng nếu biết cách thì sẽ điều trị được căn bệnh huyết áp, giữ chỉ số ổn định để nâng cao chất lượng sống.

Theo Đời sống
back to top