Hỏng thận vì chủ quan thấy sỏi không đau

Có tới 25% bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng, không đau, ngay cả khi sỏi chiếm hầu hết các đài thận, thậm chí làm mất hoàn toàn chức năng thận.

Bà Nguyễn Thị Luyện (55 tuổi, Bắc Giang) cách đây 10 năm phát hiện thấy thận có hai viên sỏi nhỏ nhưng không đau và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bà chủ quan không đi kiểm tra lại, chỉ uống các loại thuốc dân gian, đến khi đau quặn sau lưng, tiểu ra máu thì đi khám mới phát hiện một bên thận đã hỏng hoàn toàn, bên thận còn lại thì bị sỏi san hô chiếm lĩnh hầu hết các đài bể thận.

Lời bàn: ThS Kiều Đức Vinh, Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, sỏi thận là bệnh lý thường gặp, chiếm khoảng 30 - 40% số ca bệnh lý tiết niệu. Sỏi san hô trên thế giới ở các nước phát triển ít gặp, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này khoảng gần 30% sỏi thận.

Nguyên nhân là do người dân Việt Nam hay chủ quan với sỏi thận, không khám sức khoẻ định kỳ, khi bị bệnh thường uống các loại thuốc dân gian, không đúng chỉ định, sỏi không ra được, to ra, phát sinh thêm nhiều viên, có thể nhập vào nhau thành sỏi san hô.

Biểu hiện của sỏi san hô rất đa dạng, nhưng thường là đau lưng, đau âm ỉ, đau nhiều hơn khi vận động nhiều, có thể đau quặn thành cơn lan sau lưng và xuống vùng bẹn, có thể tiểu ra máu, nếu nhiễm khuẩn niệu có thể sốt cao, đái nước tiểu đục...

Tuy nhiên, có tới 25% bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng, không đau, ngay cả khi sỏi chiếm hầu hết các đài thận, thậm chí làm mất hoàn toàn chức năng thận.

Theo Đời sống
back to top