Hội chẩn liên viện cấp cứu người bệnh bị kéo đâm trúng ngực

Vết thương tim là một cấp cứu tối khẩn cấp, các vết thương do vật sắc nhọn xuyên vào lồng ngực thường gây ra các tổn thương nặng nề và có thể gây tử vong nhanh chóng.

Việc hội chẩn đưa ra chẩn đoán và áp dụng các biện pháp hồi sức, phẫu thuật kịp thời có vai trò rất quan trọng trong việc cứu sống và cải thiện tiên lượng của người bệnh.

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã hội chẩn và tiếp nhận cấp cứu người bệnh sinh năm 1995 từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê bị vết thương tim do kéo đâm trúng ngực.

Người bệnh bị kéo đâm trúng ngực trái, được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Tại đây, người bệnh khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, được xử trí cấp cứu truyền dịch, thở oxy, được chụp CT ngực, siêu âm tim phát hiện có tràn máu màng tim.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Chẩn đoán được đưa ra là vết thương tim. Người bệnh được duy trì hồi sức và vận chuyển nhanh chóng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Hình ảnh tràn dịch màng tim gây ép tim trên phim chụp tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm khê

Hình ảnh tràn dịch màng tim gây ép tim trên phim chụp tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm khê

Ngay sau khi hội chẩn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thành lập kíp cấp cứu, gây mê hồi sức và phẫu thuật sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng khó thở nhiều, da xanh nhợt, mạch khó bắt, huyết áp 90/60mmHg, vết thương thành ngực trái ngang mức khoang liên sườn 5, kích thước 2cm, tiếng tim mờ.

Siêu âm cấp cứu tại giường có nhiều dịch máu trong màng tim và màng phổi trái, người bệnh được tiến hành các biện pháp hồi sức và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Hình ảnh phim chụp trước và sau phẫu thuật

Trong phẫu thuật, các bác sĩ thấy trong khoang màng tim có rất nhiều máu đỏ tươi, khoang màng phổi có 400ml dịch máu đỏ, vết thương rách màng tim thấu vào cơ tim ngay sát động mạch vành phải đã được máu cục bịt lại không còn chảy máu nữa. Các bác sĩ đã lấy máu cục và khâu kín vết thương cơ tim.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật

Ca phẫu thuật diễn ra trong 2 tiếng, trong phẫu thuật phải truyền 1050ml máu và 600ml huyết tương. Sau phẫu thuật ngày thứ 2, người bệnh đã ổn định và đi lại được.

Người bệnh ổn định, đi lại bình thường sau 2 ngày phẫu thuật

Người bệnh ổn định, đi lại bình thường sau 2 ngày phẫu thuật

BSNT Dương Xuân Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực là người trực tiếp phẫu thuật cho người bệnh cho biết: Trường hợp người bệnh ngay sau khi bị thương đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cấp cứu, làm cận lâm sàng và được chẩn đoán vết thương tim.

Ngay sau đó, các bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê đã liên hệ trực tiếp, gửi phim hội chẩn cùng ê kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện tỉnh. Người bệnh được chuyển tuyến kịp thời, ê kíp hồi sức, phẫu thuật, gây mê đã được báo trước để sẵn sàng tiếp đón và cấp cứu người bệnh. Do có sự phối hợp tốt và kịp thời nên người bệnh đã được cứu sống.

Đây là một trong số rất nhiều ca bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp đã được Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu thành công nhờ có sự phối hợp chặt chẽ và liên tục với các Trung tâm Y tế tuyến dưới.

Theo Đời sống
back to top