Học sinh giỏi bỏ trường “top”... học giáo dục thường xuyên

Học cấp 2 tại ngôi trường nổi tiếng về đào tạo học sinh giỏi, Thanh Hà có phần hoang mang khi bước vào lớp 10 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng em đã thay đổi “định kiến” sau 3 năm học.

Từng là học sinh của những trường cấp 2 nổi tiếng về đào tạo học sinh giỏi, Thanh Hà gây ngỡ ngàng khi vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, vừa học vừa đi làm thêm rồi lại “bẻ lái” giành giải học sinh giỏi và đạt 6.5 IELTS.

Thanh Hà và các bạn cùng lớp ở TT GDTX.

Thanh Hà và các bạn cùng lớp ở TT GDTX.

Lựa chọn bất ngờ

Chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống về đường học nhiều ngã rẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng của con gái Thanh Hà, chị Trần Thị Kim Oanh cho biết, lên cấp 2, sau những vòng tuyển chọn gắt gao, con gái chị đã trúng tuyển vào Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM). Đây là ngôi trường nổi tiếng về đào tạo học sinh giỏi với kỷ luật chặt chẽ về học tập. Bản thân Thanh Hà là học sinh ngoan ngoãn, đứng trong top giữa của lớp.

Tuy nhiên, chị Oanh thấy, dường như môi trường học tập này không phù hợp với con gái. Mỗi ngày, con đi học về, sau khi ăn uống, tắm rửa lại bắt tay vào việc học tới đêm. Lúc nào con cũng trong nỗi lo lắng không làm hết bài tập sẽ bị thầy cô khiển trách.

Trong khi đó, Thanh Hà là một cô bé có niềm đam mê đặc biệt với hội họa. Thanh Hà tham gia những nhóm vẽ gồm những bạn bè đến từ nhiều nước trên thế giới và được đánh giá có tài năng. Với một học sinh sáng tạo như Hà, trong môi trường học với kỷ luật nghiêm khắc như vậy, chị lo sẽ thui chột đi khả năng sáng tạo, tâm hồn bay bổng của con.

Điều đáng ngại hơn, chị thấy con dần trở nên thiếu linh hoạt, “lờ đờ”, mệt mỏi. Vậy là chị quyết định cho con chuyển trường.

Đến lớp 9, Thanh Hà được chuyển sang học một trường tư thục, đào tạo theo mô hình quốc tế. Ở trường học này, học sinh được “ngồi bàn tròn”, tự do phát biểu suy nghĩ của mình. Từ một môi trường học rất “nặng” về kiến thức, thì sang trường mới, Hà được tạo điều kiện phát huy sở trường năng khiếu của mình. Những sự kiện của Trường, Hà được giao kinh phí, lên ý tưởng, lập nhóm để thiết kế trang trí cho trường khiến em rất vui.

Những tưởng, lên cấp 3 Hà tiếp tục theo học ngôi trường đó. Tuy nhiên, chị Oanh nhận thấy, ở trường này, Hà học “nhàn” quá. Nhất là, trong dịp hè, Hà đề nghị mẹ được cho đi trại hè quốc tế như nhiều bạn con nhà khá giả.

“Trong đầu tôi loáng lên suy nghĩ, nếu cho con sống quá sung sướng, nhàn hạ sẽ dẫn đến chủ quan, lơ là. Thế là tôi lại có ý tưởng phải cho con vào môi trường ‘khổ khổ’ để rèn luyện”, chị Hà chia sẻ.

Trái với suy nghĩ nhiều người cho rằng, nên nuôi con gái trong nhung lụa, để sau này ra đời không dễ bị cám dỗ bởi vật chất; và phải cho con học trường cấp 3 “danh giá” để bằng “con nhà người ta” như bao phụ huynh, chị Oanh đã tìm hiểu và quyết định cho con vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX).

Khi chị đi rút hồ sơ ở trường, ban giám hiệu tới các thầy cô đều ngỡ ngàng. Một số người bạn còn cho rằng, chị “gàn dở”, “điên rồ”. Thế nhưng, sau khi nói chuyện cùng con, chị vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Thanh Hà cùng cô giáo chủ nhiệm trong lễ tốt nghiệp cấp 3.

Thanh Hà cùng cô giáo chủ nhiệm trong lễ tốt nghiệp cấp 3.

Trải nghiệm đáng giá

Thanh Hà chia sẻ, lúc mới vào trường, em rất hoang mang, không biết mình học có hợp không, các bạn sẽ như thế nào, vì cũng có một số “định kiến” về GDTX. Hà mất một khoảng thời gian dài làm quen với các bạn và môi trường học tập mới.

Sau khi trải nghiệm, Thanh Hà cảm thấy, không thể so sánh TTGDTX với trường “điểm” về học tập. Nhưng môi trường học tập này có những điều khiến Hà cảm thấy rất vui, các bạn thân thiện, thầy cô dạy có tâm, sẵn sàng giúp đỡ học trò.

“Các bạn rất hòa đồng, gần gũi với các thầy cô. Các trò vẫn rất tôn trọng thầy cô dù sau khi tan học, trò có thể rủ các thầy cô đi uống trà sữa, cà phê, chụp hình… rất vui vẻ”, Hà chia sẻ.

Các bạn cũng không hề nghịch ngợm như Hà nghĩ trước đây về môi trường này mà có sự nghiêm túc nhất định để không ảnh hưởng tới người khác. Bạn nào không muốn học đã chủ động dừng học. Nhiều bạn không học giỏi như ở trường cũ nhưng Hà cảm thấy các bạn rất đáng quý, trân trọng.

Chị Kim Oanh và con gái.

Chị Kim Oanh và con gái.

Đặc biệt, nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học vừa đi làm, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ nhưng vẫn rất cố gắng… điều đó khiến Thanh Hà rất nể phục.

Vì học ở trường chỉ nửa buổi nên Hà có thời gian đi làm thêm. Hà đăng ký khóa học thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Em còn nhận làm tranh đính đá, vẽ handmade lên túi, áo, rồi làm phụ bếp cho một nhà hàng nhỏ của người Pháp ở TP Thủ Đức, làm quản lý fanpage cho một quán cơm.

Mới đầu, Hà sống chung với gia đình dì ở quận 1. Lên lớp 11, em chuyển ra nhà trọ để được tự lập. Hà tự nấu ăn, đạp xe đi học. Những hôm ở trường cả buổi, em nấu đồ ăn mang theo.

Sau quãng thời gian trải nghiệm thực tế, năm lớp 12, Thanh Hà đã quyết định dừng việc làm thêm, tập trung cho việc học.

“Sau 2 năm, em nhận ra rằng, nếu mình có điều kiện để đi học, dù đó là ngôi trường không phải là ‘điểm’ hay nổi tiếng, em vẫn sẽ cố gắng học tốt nhất có thể. Em rất trân trọng những người không có điều kiện để theo con đường học vấn mà chăm chỉ lao động, nỗ lực vươn lên.

Nhưng em thấy rằng, học tập vẫn là con đường ngắn nhất để đi tới thành công. Chứ không tin vào lời tuyên truyền cho rằng, không cần học cũng vẫn có thể thành đạt, trở thành ông chủ, bà chủ. Việc lan truyền những suy nghĩ sai gây những ảnh hưởng không tốt đối với học trò. Trong trường em, cũng có một số bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ như vậy, dẫn tới lười học, bỏ học”, Hà chia sẻ.

Với sự tập trung, nỗ lực học tập, Hà đã đoạt giải Nhì môn Địa lý, Kỳ thi học viên giỏi cấp thành phố cho hệ giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, Hà còn đạt chứng chỉ IELTS 6.5. Hà cho biết, những trải nghiệm 3 năm qua với em rất đáng giá, là hành trang để em trưởng thành, vững vàng hơn.

“Liều mạng” có chuẩn bị

Chị Kim Oanh chia sẻ, con đường chị chọn cho con không hề “bằng phẳng”, thậm chí còn có phần “liều mạng”. Thế nhưng, sự “liều” này cũng cần có sự chuẩn bị.

Ngay từ khi con 7-8 tuổi, chị đã cho con học các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam, sau đó đến các tác phẩm nước ngoài. Thay vì đọc truyện tranh như các bạn đồng trang lứa, Hà đã “ngốn” những cuốn sách dày như “Lịch sử văn minh thế giới”… rồi cho con đi nghe nhạc giao hưởng…

Những điều đó đã tạo cho con sự yêu thích đối với cái đẹp và tri thức và khao khát học hỏi, khám phá. Con cũng được mẹ cho “bám càng” những chuyến công tác, tham gia câu chuyện về kinh doanh của mẹ.

Chính vì vậy, khi chị “quẳng” con vào những môi trường có sự thử thách, con vẫn thích nghi được. Chị Oanh cho biết, mới đầu con cũng không đồng ý, vì là trẻ con, đương nhiên thích những môi trường sung sướng. Nhưng phụ huynh cần là người định hướng, trên cơ sở hiểu con.

“Ở đây, không có một công thức chung cho các phụ huynh, mà phải là sự đồng hành, hiểu được năng lực của con. Như với con trai tôi, hiện con vẫn đang học ở Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, vì tôi thấy bé phù hợp với môi trường đó”, chị Oanh chia sẻ.

Box: Hiện tại, Thanh Hà vẫn đang trong quá trình chờ điểm thi tốt nghiệp THPT. Thanh Hà muốn trúng tuyển ngành Luật của ĐH Luật. Câu nói Hà rất thích mà em học được từ sách, đó là: “Hoàn cảnh không thay đổi mình, mà mình mới là người thay đổi hoàn cảnh”, và “cũng chỉ có mình mới thay đổi được bản thân, chứ không có ai thay đổi được mình”.

Mai Loan

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top