Đền thờ Hoàng Hối Khanh tại thôn Hà Thanh, Phong Thủy.
Tiếp tục chấn giữ phương Nam
Ngày 5 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đến ngày 11, Hồ Quý Ly bị bắt ở bãi Chi Chi, Hồ Nguyên Trừng bị bắt ở biển Kỳ La, đến ngày 12 thì Hồ Hán Thương và Thái tử Nhuế bị bắt ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh), sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi hai cha con họ Hồ đến Kỳ La là định chạy vào Tân Bình, có một phụ lão ở đây ra bái yết thưa rằng: Xứ này tên là Kỳ Lê, trên có núi Thiên Cầm là điềm không lành! Xin chớ lưu lại. Đến đây quả nhiên như vậy!”
Ở phía Nam, lợi dụng lúc nhà Hồ mất, người Chiêm Thành liên tục tiến công Thăng Hoa để thu lại đất đã bị mất. Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất sau một thời gian chống đỡ nhưng do lực lượng yếu hơn, phải lui về giữ Hóa Châu.
Tướng giữ thành Hóa Châu là Nguyễn Lỗ đem quân chống lại Đặng Tất, do trước đó hai người có hiềm khích nhau. Cuộc chiến kéo dài hơn một tháng.
Nguyễn Lỗ bị thương thua chạy trở vào Thăng Hoa đầu hàng quân Chiêm Thành và quân Chiêm Thành nhân đó đem quân vây đánh Hóa Châu.
Bấy giờ quân Minh đã chiếm xong nước ta, bắt đầu tiến vào Hóa Châu. Chúng sai Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất.
Hoàng Hối Khanh không chịu đầu hàng quân Minh, kéo quân lánh về vùng biển. Còn Đặng Tất trong bối cảnh ấy buộc phải dùng kế trá hàng quân Minh, nhằm chặn đứng sự quấy phá của quân Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam, mưu đồ lấy lại Hóa Châu làm căn cứ tổ chức kháng chiến cứu nước lâu dài.
Trương Phụ liền giao cho Đặng Tất chức Đại tri châu ở Hóa Châu. Để nhanh chóng rút quân về Đông Kinh, vì Trương Phụ cũng sợ sa lầy vào vùng đất xa và phải đụng độ với người Chiêm Thành.
Dưới sự chỉ huy của Đặng Tất, quân Chiêm Thành không làm gì được phải rút về Thăng Hoa.
Chết để giữ khí tiết
Hóa Châu tạm yên, Đặng Tất cho người đi tìm Hoàng Hối Khanh để cùng mưu tính đánh lại quân Minh. Nhưng một điều không may khi Hoàng Hối Khanh đến cửa biển Đam Nhai, gặp gió to, thuyền bị vỡ trong khi quân Minh đã vây kín, Hoàng Hối Khanh đã tự sát để gìn giữ khí tiết.
Để tưởng nhớ một danh tướng có công trấn giữ mảnh đất phương Nam của Đại Việt lại có công khai khẩn ra làng xóm, nhân dân làng Tiểu Phúc Lộc đã xây lăng mộ ngài Hoàng Hối Khanh ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Khuôn viên mộ hướng đông nam với diện tích 40m2, xung quanh xây bằng đá, phía hậu đầu có khắc dòng chữ “Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Quận công Hoàng”. Dòng bên cạnh đề bốn chữ “Kỷ Mão trọng đông”.
Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bỡ cõi, nhà Lê truy phong Hoàng Hối Khanh: “Tước phong Dực Bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.
Đến triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) lại truy phong: “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Hoàng quận công tước phong Dực bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.
Ngoài lăng mộ chính, Hoàng Hối Khanh còn có miếu thờ vọng tại thôn Hà Thanh trên khu đất 0,5ha. Trong miếu thờ có đôi câu đối:
“Khoa vị tiến sĩ phi vận tướng quân;
Trùng giang văn trung hiển văn châu tiết”.
Khu lăng mộ Hoàng Hối Khanh được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội và tế lễ ngài rất cung kính.
Dương Tuấn