Hoại tử xương: Nguyên nhân và cách điều trị

Các kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 trên thế giới cho rằng, nguyên nhân chính có thể do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2.

Hoại tử xương có thể do tổn thương mạch máu

PGS.BS y khoa Wynn Huỳnh Trần, Đại học Y khoa Northstate California Mỹ cho biết, nghiên cứu của các bác sĩ Ai Cập chỉ ra 12 ca hoại tử hàm, dựa trên các báo cáo về đau nhức xương hàm từ tháng 1 – 8/2021 cho thấy, tuổi trung bình là 56 tuổi, bị hoại tử hàm 5.5 tuần sau khi hết Covid-19; Tất cả bệnh nhân đều dùng Steroid khi nhập viện (Corticosteroid tăng rủi ro bị hoại tử hàm); Tất cả bệnh nhân đều bị tiểu đường (tăng rủi ro bị hoại tử hàm).

PGS.BS Wynn Huỳnh Trần phân tích, lý do hoại tử có thể là tổn thương mạch máu. Covid-19 là bệnh liên quan đến mạch máu, trong đó, virus SARS-CoV-2 tấn công mạch máu chúng ta.

mach-mau.jpg

Hoại tử xương có thể do tổn thương mạch máu

Khi mạch máu bị tổn thương, viêm tại một số trường hợp bị nghẽn lại, ở mạch máu lớn hơn có tình trạng đông máu, hình thành cục máu đông khiến nghẽn động mạch, kết hợp với viêm sưng do nhiễm trùng và các bệnh lý nền khác, khiến máu cung cấp vùng xương hàm không đủ oxy, dinh dưỡng nên bị hoại tử

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), người từng mắc Covid-19 không nên quá lo lắng về biến chứng này. Lý do là số ca mắc bệnh này quá ít, tức là rất hiếm.

Hơn nữa, hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định giữa Covid-19 và hoại tử xương hàm có sự liên quan hay quan hệ nhân quả.

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý, trong khi giả thuyết hoại tử vô mạch xảy ra do sự hình thành huyết khối vi mạch, một biến chứng có thể xảy ra khi mắc Covid-19, đang được nhiều người sử dụng để giải thích.

 “Các hiệp hội y khoa trên thế giới không khuyến khích việc "tầm soát" hoại tử xương hàm khi không hề có triệu chứng nghi ngờ như đau dai dẳng, sưng miệng, khó nhai, nhiễm trùng nướu răng, răng lung lay hoặc mất răng. Việc tầm soát bằng chụp MRI hoặc CT để xem "xương sọ, xương hàm có sao không" là vô ích, tốn kém. Thay vào đó, mọi người nên đi khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm sâu răng hoặc bệnh nha chu để được chăm sóc, điều trị phù hợp và lên lịch đi tầm soát quản lý sớm bệnh tiểu đường” - TS.BS Phạm Nguyên Quý.

Cần hiểu rõ nguyên nhân khi điều trị

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, USA phân tích, để hiểu được hiện tượng hoại tử xương do Covid-19, đầu tiên chúng ta nên hiểu nguyên nhân của “hoại tử xương”. Cũng như các mô khác trên cơ thể của chúng ta, mô xương cũng cần được “nuôi bằng máu”. Trong khối xương cứng kia thực ra chứa rất nhiều các mạch máu li ti để đưa máu đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào xương.

hoai-tu-xuong-2.jpeg

Hoại tử xương thường do nguyên nhân là “tắt nghẽn” các mạch máu này mà dẫn đến các tế bào xương chết đi làm cho mô bị hoại tử.

Các kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 cho rằng, nguyên nhân chính có thể là do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu (endothelial cell) qua thụ thể ACE2.

Việc hư hại của các tế bào thành mạch máu (thường ở những người bệnh nặng) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch như neutrophil, các tiểu cầu, Von Willebrand Factor (nhân tố Von Willebrand, một trong những nhân tố gây đông máu) gây nên hiện tượng hình thành các cục máu đông.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng tỷ lệ xảy ra tình trạng đông máu hậu Covid-19 đó là: Việc sử dụng các thuốc điều trị dạng corticoids quá dài, tình trạng nhiễm, tình trạng tiểu đường...

Nguyên tắc điều trị xương hoại tử là phẫu thuật lấy phần xương này đi, sau đó tấn công bằng kháng sinh, kháng nấm tối thiểu 3 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng, đồng thời theo dõi nguy cơ tái phát. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ xem xét tái tạo, phục hình xương.

 Đến nay, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên ngay cả những trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh thì giải pháp nào để xử lý về mặt chuyên môn cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Đây là loạt ca bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn chưa từng có tiền lệ nên việc giải thích bệnh cho bệnh nhân và người nhà gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng. Việc điều trị nội khoa sẽ không mang lại kết quả. Bệnh nhân không sớm thì muộn cũng sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng và chắc chắn sẽ tử vong.

Theo Đời sống
back to top