Hóa thạch cổ niên đại 2,9 tỷ năm thu hút giới khoa học

Một phiến đá cổ có niên đại 2,936 tỷ năm tìm thấy ở Việt Nam đang là tâm điểm thu hút đông khách tham quan Triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất” diễn ra tại điểm di tích Bộ học Triều Nguyễn (76 Hàn Thuyên, TP Huế).
hoa-thach.jpg
Lần đầu tiên vùng đất cổ sinh sẽ được tái hiện ngay trong khuôn khổ Festival Huế 2022.

Triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên trái đất”, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động đồng hành, hưởng ứng tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022

Hơn 14.000 mẫu vật; 2.500 tấn gỗ hóa thạch từ khắp nơi trên thế giới được giới khoa học đánh giá là kho báu vô giá của ngành cổ sinh vật học nước nhà lần đầu tiên được tái hiện, thu hút nhiều em nhỏ, học sinh đến tham quan, tìm hiểu, khám phá nguồn gốc sự sống trên trái đất.

hoa-thach-5.jpg
Triển lãm thu hút đông khách tham quan.

Câu chuyện về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hóa và diệt vong của những loài sinh vật từng có mặt trên hành tinh mang đến cho khách tham quan không gian đậm đặc hơi thở của lịch sử tự nhiên của Trái Đất trải dài hàng trăm triệu năm.

Tận mắt ngắm nhìn những sinh vật đã từng tồn tại cách đây hằng trăm triệu năm, những sinh vật đã tuyệt chủng, những sinh vật chính là nguồn cơn cho sự tiến hóa phát triển của sinh giới, đỉnh cao là loài người mang đến sực xúc động cho nhiều khách tham quan triển lãm.

hoa-thach-2.jpg
Phiến đá cổ 2,9 tỷ năm.

Đây là lần đầu tiên, một triển lãm về hóa thạch được tổ chức mang tính quy mô với các hiện vật có niên đại “khủng” từ hàng chục nghìn đến hàng trăm triệu năm, thậm chí hơn 2,936 tỷ năm.

Một trong những mẫu vật lâu đời nhất được giới thiệu tại triển lãm là phiến đá có niên đại lên đến 2,936 tỷ năm. Hiện vật này được PGS.TS Trần Ngọc Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tìm thấy tại thác nước Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (thuộc dãy núi Con Voi).

Mẫu vật từng được PGS.TS Trần Ngọc Nam mang đến phòng thí nghiệm của Nhật Bản, áp dụng chì uranium để xác định niên đại một cách tinh vi nhất bằng trắc phóng xạ, với độ chính xác gần như tuyệt đối.

hoa-thach-9.jpg
Mẫu vật hóa thạch Cúc đá .

GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam, cho biết, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội hiện là bảo tàng hóa thạch đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, có sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ cho hôm nay và mai sau một dạng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của đất nước: những hóa thạch - dấu tích của sự sống trên đất nước ta hằng trăm triệu năm trước.

hoa-thach-8.jpg
Mẫu hóa thạch san hô.

Triển lãm hóa thạch lần này là cơ hội đem đến cho cộng đồng một cái nhìn đúng đắn và những nguồn kiến thức bổ ích của lĩnh vực cổ sinh vật học. Mỗi mẫu vật hóa thạch được sưu tầm đều góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại về thế giới sinh vật từng có mặt trong lịch sử Trái Đất.

hoa-thach-3.jpg
Bộ sưu tập rất có ý nghĩa với các nhà khoa học.

Chuyên gia cổ nhân học, chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của con người PGS.TS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết, bộ sưu tập hóa thạch rất có ý nghĩa đối với thế hệ các nhà khoa học cổ sinh, giúp các nhà khoa học có tư liệu thật để so sánh, đối chiếu và nghiên cứu.

Theo Đời sống
back to top