Nhà thờ họ Hồ Tam Công.
Khoai ba bữa, đỗ cả nhà
Nhà thờ này thờ Hồ Kha, người sinh ra Hồ Hồng và Hồ Cao; Hồ Cao, người khởi tổ ra họ Hồ Tam Công, một trong ba người có công khai khẩn, chiêu dân lập ấp, xây dựng lên làng Tam Công, tức Kẻ Cuồi (Trang Cuồi); Thái phó Đường Quận công Hồ Tông Thốc; Trạng nguyên Hồ Tông Đốn; Trạng nguyên Hồ Tông Thành; Tiến sỹ Lộc quận công Hồ Đình Trụ; Tiến sỹ Thái bảo quận công Hồ Đình Trung; Tiến sỹ Hiến sát Hồ Doãn Văn và các thế hệ tiếp nối của dòng họ Hồ Tam Công.
Khu vực Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc xưa là đồng chiêm trũng “Nắng thì cháy cả tiếng chim đa đa, mưa thì thối cả gan bàn chân con người”.
Thời Trần mảnh đất này là một ngọn đồi thoai thoải, dân gọi là Gò tràm nổi lên giữa đồng chiêm trũng rộng hàng ngàn mẫu. Dưới thời Trần Minh Tông mới được khai phá xây dựng thành làng.
Xung quanh làng có nhiều hồ ao, đầm, đìa, dân thường trồng một giống khoai nước gọi là khoai Cuồi và lấy tên giống khoai đặc sản trồng trên mảnh đất mình ở để đặt tên cho nơi chôn rau cắt rốn của mình là Cuồi.
Về sự tích này, có câu chuyện cảm động về Hồ Tông Thốc mà dân trong vùng thường nhắc đến thuở hàn vi cũng như lúc ra làm quan, gia cảnh họ Hồ nghèo lắm, nhiều lúc không đủ cơm ăn, phải ăn khoai Cuồi thay cơm.
Nhiều năm mất mùa, khoai Cuồi là nguồn lương thực chính của nhà nông và nuôi lớn những tú tài, cử nhân, tiến sỹ, trạng nguyên. Bởi thế, dân trong vùng có câu ca: Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa – ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà. Khi đất kẻ Cuồi có ba người họ Hồ đậu Trạng nguyên thì kẻ Cuồi đổi thành làng Tam Công.
Danh tiếng truyền tới hôm nay
Thời Lê Mạt, sau trận binh hoả tàn phá, làng được xây dựng lại. Tên làng Tam Công được đổi thành Tam Thọ, thể hiện ước vọng của dân làng muốn quê hương mình tồn tại bền vững lâu dài mãi mãi. Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc được xây dựng sau khi ông qua đời ngay trên nền nhà ông ở, một vị trí đẹp ở đầu làng Tam Thọ.
Năm 1919 nhà thờ được trùng tu lại khang trang mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn và kiến trúc miền Trung. Cách bài trí chặt chẽ và tôn nghiêm.
Trong đó có bức cửa vọng vàng vải nỉ thêu long phượng ở gian giữa bái đường mang bốn chữ lớn “Thái sơn bắc đẩu”… Hai giải hai bên thêu tùng lộc, có sư tử chầu; giải bên phải mang dòng chữ: “Tam công cựu chi kim nhưng tại” (làng Tam công ngày xưa bây giờ vẫn còn đây); giải bên trái có dòng chữ: “Nhất giáp, cao danh cổ vọng truyền” (đỗ Trạng nguyên danh tiếng từ thuở trước còn truyền lại đến ngày nay).
Và có đôi câu đối khảm xà cừ, bên trái là “Thần tâm, tử tâm, nhất ngô ninh háo súng tương vị hà” (lòng tôi, lòng con, ta một lòng đền đáp vẫn chưa xứng với công đức của tiền nhân). Vế bên phải là “Quốc khánh, gia khánh, trường tồn đức vinh phong tự kim thuỷ” (mừng nước, mừng nhà nhớ công đức lâu dài từ trước đến nay đều được phong chức tước).
Ngoài các đồ tế khí kể trên, di tích còn lưu giữ được 12 đạo sắc của thời Lê và thời Nguyễn phong tặng cho Hồ Tông Thốc và con cháu ông đã có những đóng góp cho đất nước.
Ngày 25/1/1991 Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định số 154/QĐ-VH công nhận Di tích Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. Hàng năm UBND xã Thọ Thành phối hợp với họ Hồ Tam Công mở lễ hội Đền thờ Hồ Tông Thốc vào ngày 9 và 10 tháng giêng âm lịch.