50% bệnh nhân bị đột quỵ não dễ bị hít sặc
Tháng 4/2020 vừa qua, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã tiếp nhận 4 bệnh nhân gồm 3 nam, 1 nữ, trung bình tuổi từ 82 - 88, trong đó có 3 ca liên quan đến tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở máy và nội soi. Kết quả nội soi cho thấy có dịch dạ dày lợn cợn, sữa, cháo, thậm chí có cả chả và trứng... Tất cả bệnh nhân phải điều trị kéo dài, tốn kém. Chỉ một trường hợp may mắn sống sót, còn 3 trường hợp xin về.
Bệnh nhân Lê V.Q. (82 tuổi, Tân Bình) nhập viện vì bị sặc một miếng chả. |
Miếng chả gây tắc đường thở ở bệnh nhân. |
Triệu chứng của trường hợp hít sặc nghiêm trọng khi nhập viện là ho, khò khè, khó thở, tím tái. Tuy nhiên, các triệu chứng do hít phải thường bị bỏ qua và điều trị sơ sài vì ít được nghĩ tới. Đặc biệt, ở người lớn tuổi, nguy cơ hít sặc nhiều hơn do rối loạn nuốt là một di chứng của đột qụy não thường gặp, khoảng 52% sau đột qụy cấp, 30% sau 1 tuần và 10 - 50% sau sáu tháng.
Hít sặc là một phản xạ tương tự hắt xì hơi như khi thay đổi nhiệt độ hay ngửi phải một mùi lạ hoặc bị viêm nhiễm đường hô hấp. Khi dị vật rơi vào đường thở, cơ thể sẽ có những phản xạ tống dị vật ra khỏi đường hô hấp. Đa phần trường hợp bị sặc đều có thể tống dị vật ra khỏi cơ thể. Theo các bác sĩ, nếu dị vật đủ lớn có thể khiến bệnh nhân khó thở, thậm chí tử vong.
Ở người lớn tuổi, hít sặc thường là một di chứng của đột quỵ não. ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, theo thống kê, 50% bệnh nhân bị đột quỵ não ở tuần đầu tiên thường có rối loạn nuốt và dễ bị hít sặc. Tuần sau đó, con số này là 10%; nhưng sau 6 tháng, thống kê lại ghi nhận là 50% bệnh nhân sau điều trị đột quỵ não sẽ có di chứng hít sặc.
Cơm cũng có thể là một dị vật đường thở gây ra hít sặc ở người lớn tuổi. |
Theo thống kê, ước tính khoảng 10 - 20% viêm phổi ở cộng đồng là do hít sặc và hít sặc gây viêm phổi là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân khó nuốt vì các tổn thương thần kinh hay đột quỵ não. Ngoài ra, viêm phổi do hít sặc cũng là nguyên nhân thường gặp, chiếm 18% ở những bệnh nhân được chăm sóc tại nhà.
Tránh thức ăn nhiều chất xơ, dai, đặc
Cũng theo ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh, để hạn chế và đề phòng nguy cơ hít sặc điều cần làm là nhận biết rối loạn nuốt: Cho ăn uống nước rơi ra ngoài, nước bọt chảy, nhiều đàm; khó khăn khi nhai cắn; ho sặc khi nuốt, khi đang nhai; thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn; viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần...
Và cần đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ như: Rối loạn tri giác; có gây mê; dùng thuốc an thần, chống trầm cảm; bệnh nhân sau rút nội khí quản (30% rối loạn nuốt); bóng chèn, đặt sond dạ dày; khả năng nuốt; đánh giá khả năng nhận thức cũng như sự hợp tác của gia đình...
ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh đang thăm khám cho bệnh nhân. |
Lưu ý khi chăm sóc cho ăn ở người lớn tuổi là các món ăn phải mềm, xay nhuyễn; tránh các món ăn quá nhiều xơ, miếng to (xoài, mít, rau muống…), dai dính hay quá đặc (chè trôi nước, xôi).
Khi cho ăn, cố gắng bón ăn khi bệnh nhân tỉnh, đỡ bệnh nhân ngồi dậy ở một góc 45 hay 60 độ, cho ăn chậm, giúp hỗ trợ mở miệng bệnh nhân như kéo nhẹ hàm ra; nhắc nhở khi người bệnh ngậm thức ăn lâu; vệ sinh răng miệng sau ăn.
ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh khuyến cáo, việc đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng như những lưu ý khi chăm sóc những nhóm người nguy cơ cao như trẻ em hay người cao tuổi sẽ giúp phòng ngừa, hạn chế nguy cơ hít sặc, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.