Mở mang xây dựng phố Kỳ Lừa
Đầu năm Chính Hòa (1680), vâng lệnh chúa Trịnh Tạc, Thân Công Tài lên trấn thủ Lạng Sơn, cùng làm việc với Vi Đức Thắng. Trong thời gian đó, Kỳ Lừa đã là trung tâm kinh tế của bảy châu xứ Lạng.
Việc qua lại buôn bán với các tỉnh miền Hoa Nam, Trung Quốc là điều không thể thiếu được. Trước tình hình đó, muốn phát triển kinh tế thương mại, ngoài giao thông thuận lợi cần phải có thương trường, phố xá, thế nhưng phố Kỳ Lừa đương thời còn quá nhỏ hẹp.
Đứng trước nhu cầu cấp thiết ấy, bằng nhãn quan kinh tế nhạy bén, bên cạnh việc phòng thủ Đoàn Thành, ông đã mở mang xây dựng phố Kỳ Lừa. Thân Công Tài cho quân và dân san đồi, bạt đất, mở mang thành bảy con đường, bảy phố phường ở chợ Kỳ Lừa, như các phố Chính Cai, Đông Cai, Tây Cai, Nam Cai, Bắc Cai... tạo cho trấn lỵ Lạng Sơn một khu buôn bán hoàn thiện, tấp nập, giúp cho dân chúng trao đổi hàng hóa thông thương xuôi ngược và qua lại biên giới.
Nhờ Thân Công Tài mà một vùng đồi gò hoang vu rậm rạp, dân cư thưa thớt ở phía Bắc Đoàn Thành đã nhanh chóng trở thành một điểm quần cư đa dân tộc, một cửa ngõ buôn bán sầm uất, thu hút đông đảo thương nhân Trung Quốc đến kinh doanh. Về tên gọi Kỳ Lừa có từ đó.
Do công lao to lớn của ông nên nhân dân bảy châu xứ Lạng, thương khách 13 tỉnh Trung Quốc và nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông. Ngôi đền thờ Thân Công Tài tọa lạc ở nơi cao ráo, thoáng đãng tại trung tâm phố Kỳ Lừa.
Đền được xây dựng năm Chính Hòa thứ 4 (1683), cùng thời gian đó nhân dân đồng thời dựng tấm bia đá bốn mặt đồ sộ để ghi ơn và tôn sùng ông làm thầy làm cha (tôn sư phụ bi). Đền thờ ông sau này người ta quen gọi là Đền Tả Phủ (tên chữ là Tả Phủ binh từ).
Người khai mở thương trường Lạng Sơn
Là bề tôi trung thần của triều đình, là vị quan biết lo lắng cho sự phát triển dân sinh. Hán Quận công còn là người con nặng nghĩa với quê hương. Những bổng lộc được triều đình ban thưởng, Thân Công Tài đều đưa giúp dân xây dựng các công trình tín ngưỡng, văn hóa ở quê nhà.
Ông đã bỏ 100 đám ruộng, 700 quan tiền giúp dân 6 xã tổng Mật Ninh, huyện Yên Dũng làm đất hương hỏa và tu sửa nghè Nếnh- làng Điêu Liễn (Đức Liễn ngày nay) cùng với xã Hồng Lâm, Thượng Phúc... là những địa phương được ông giúp tiền, ruộng để xây dựng và trùng tu đình, chùa làng.
Có thể nói, Thân Công Tài là vị quan hết lòng vì nước vì dân, trọn đời cống hiến cho sự an ninh của xã tắc, sự phồn vinh của nhân dân. Đối với sứ Lạng ông là người khai mở thương trường Lạng Sơn, tạo cho nhân dân ở đây cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ông đã tạo dựng một thị tứ buôn bán sầm uất, mở rộng việc buôn bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài. Tư tưởng mở cửa của ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương khách Trung Quốc đến buôn bán ở Lạng Sơn, chính vì vậy mà chợ Kỳ Lừa nói riêng và xứ Lạng nói chung sớm nổi tiếng là nơi buôn bán tấp nập của khắp một vùng rộng lớn của nhân dân miền xuôi cũng như miền ngược. Chính nhờ đó đã khiến Lạng Sơn, mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc trở thành một đô thị sớm trong lịch sử.
Với những đóng góp cụ thể có hiệu quả trong việc mở mang thương trường xứ Lạng, Thân Công Tài là nhà cải cách kinh tế của dân tộc ta dưới thời phong kiến. Ông cũng là người có công lớn trong quá trình đô thị hóa Lạng Sơn vào nửa sau thế kỷ XVII.