Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch

Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn năm 2022 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận khoảng gần 10.000 ca, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo chu kỳ 5 năm một lần, năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2020. Hà Nội ghi nhận 12 người tử vong, trong khi năm 2021 không có người nào chết vì sốt xuất huyết. Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô sẽ là trung tuần tháng 11 đến tháng 12, nguy cơ có nhiều ca nặng. Hiện nay, nhiều ổ dịch còn tồn đọng, nhiều nơi có nguy cơ bùng phát thành dịch như công trường xây dựng, khu nhà trọ… nhưng người dân vẫn còn chủ quan.

Phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần (Ảnh: CDC Hà Nội)

Phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần (Ảnh: CDC Hà Nội)

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết so với tháng trước, số bệnh nhân nhập viện từ đầu tháng 11 đến nay giảm nhẹ. Hiện mỗi ngày viện này điều trị nội trú cho khoảng 150 bệnh nhân sốt xuất huyết.

"60% bệnh nhân trong số đó ở mức độ nặng, có dấu hiệu cảnh báo như: đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tiểu cầu giảm sâu…" - BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện, cho hay.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (Giải Phóng), 25 trên tổng số 30 giường bệnh dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần theo dõi tích cực, nhiều ca trong số đó sinh sống tại Hà Nội. Số bệnh nhân sốt xuất huyết cũng chiếm lượng lớn giường bệnh tại Khoa Virus - Ký sinh trùng hay Khoa Nội tổng hợp của viện này.

Không ít ca bệnh đến viện khi đã có diễn biến nặng, nhập viện muộn. Điển hình như ca bệnh cao tuổi ở huyện Thường Tín (Hà Nội) nhập viện ngày thứ 6 từ khi có dấu hiệu sốt cao. 5 ngày trước đó bà dùng thuốc hạ sốt không đỡ, đến khi thấy người mệt mỏi, huyết áp hạ thấp, bà đi viện khám, tiểu cầu đã giảm rất thấp, thậm chí đã suy tạng.

Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên (Ảnh: Sở Y tế).

Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên (Ảnh: Sở Y tế).

Theo Sở Y tế Hà Nội, sốt xuất huyết đang tăng mạnh ở nhiều huyện ngoại thành (chiếm 58%). Nhiều xã, phường đang trong quá trình đô thị hoá với dân cư đông đúc, công trình xây dựng, phế liệu, phế thải không được dọn dẹp, tạo điều kiện cho ổ dịch bùng phát. Một trong những điểm “nóng” sốt xuất huyết của Thủ đô là huyện Đan Phượng, nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều làng nghề, khu công nghiệp, dẫn đến bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Cả huyện có 16 xã, thị trấn thì tất cả đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Huyện Đan Phượng ghi nhận 1.039 ca mắc, 37 ổ dịch, hiện vẫn còn 11 ổ đang hoạt động.

Nguyên tắc phòng, chống sốt xuất huyết cần ghi nhớ

Với tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.

Cán bộ TYT xã Tân Lập đang hướng dẫn người dân lật úp, che đậy các dụng cụ chứa nước không cho muỗi sinh sản và phát triển để phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: Sở Y tế).

Cán bộ TYT xã Tân Lập đang hướng dẫn người dân lật úp, che đậy các dụng cụ chứa nước không cho muỗi sinh sản và phát triển để phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: Sở Y tế).

Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top