Khi rơm rạ không có đầu ra
Việc đốt rơm rạ là thói quen cố hữu của nhiều nông dân ngoại thành. Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, khoảng 30% người dân đốt bỏ ngay tại ruộng. Theo người dân, việc đốt rơm tại ruộng vừa giảm bớt được rơm rạ rác thải, vừa có thể làm mùn bón cho ruộng…
Điều đáng nói, đốt rơm rạ sinh ra nhiều khí CO (khí monoxide carbon) rất độc hại, có thể gây ô nhiễm không khí.
Để đẩy lùi tình trạng này, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ việc đốt rơm rạ. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, UBND TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ 40% kinh phí để người dân mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu (phủ rơm lên mặt luống khoai); Hội Nông dân các cấp triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ...
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt, cụ thể: Huyện Mê Linh 30%; Quốc Oai: 15%; Thanh Oai: 1%; Thường Tín: 0,7%;…
Tuy nhiên, các chương trình, dự án hạn chế đốt rơm rạ được triển khai thời gian qua ở các địa phương mới chỉ dừng ở thí điểm mô hình, chưa thể nhân đại trà nên lượng rơm rạ tái sử dụng không nhiều.
Hơn nữa, dù đã giảm, nhưng thực trạng đốt rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tái diễn theo mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ nên vẫn còn hiện tượng đốt tự phát tại các địa phương. Mặt khác, các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp…
Do vậy, kế hoạch đến năm 2020 trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ” của Hà Nội khó thành hiện thực.
Biến rơm rạ thành nguồn lợi
Mới đây, tại hội thảo Hội thảo chia sẻ đánh giá hiện trạng và kết quả của TP Hà Nội trong việc hạn chế đốt rơm rạ, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông (Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, đối tượng đốt rơm rạ là những người nông dân với thu nhập còn hạn chế, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp chế, có thể dùng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho bà con nông dân trong dùng chế phẩm sinh học. Nhưng chế phẩm sinh học không phải là phương pháp cuối cùng, hay duy nhất để xử lý rơm rạ mà còn phải đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng địa phương mới đem lại hiệu quả bền vững.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành về tình trạng đốt rơm rạ tại các quận, huyện, thị xã; tham mưu trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt Chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ. Cùng với đó là phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ... Chỉ khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, người dân sẽ không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nữa
Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, hiện nay, giới chuyên gia đã đưa ra các giải pháp mới đang trong quá trình nghiên cứu nhằm hạn chế đốt rơm rạ như làm các viên nhiên liệu sinh học, sử dụng phối trộn với các vật liệu khác để làm vật liệu mới, vật liệu thay thế.
Và trong tương lai, hướng tới sản xuất dưới dạng năng lượng như sản xuất điện với các nhà máy điện có công suất nhỏ sẽ rất phù hợp với các địa phương giúp cách quản lý, vận hành đơn giản hơn. Nếu được triển khai thì đây là một trong những giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước.