Theo đó, Sở TN&MT tham mưu UBND TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch có lộ trình hành động cụ thể để chấm dứt hoàn toàn các hoạt động đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng tại địa phương.
Cụ thể, thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn
Sở TN&MT cũng tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo, đến ngày 30/8/2020, tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt theo hợp đồng và các quy định hiện hành; triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Đối với rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, mục tiêu đến ngày 31/12/2020, người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch mà chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng như tái sử dụng hoặc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng...
Nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải sinh hoạt diễn ra trên địa bàn quản lý.