Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký COD.
Nhưng đến ngày 22/10/2021, mới có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW đã được công nhận COD.
Trong khi đó, chỉ chưa đầy một tuần nữa, biểu giá điện ưu đãi (FIT) sẽ hết hạn. Thông tin về gia hạn FIT hiện nay vẫn chưa có.
Do đó, khả năng 78 dự án còn lại sẽ không được hưởng giá FIT khi vận hành.
Điều này gây ảnh hưởng tới đầu tư và việc làm trong tương lai. Tạo rủi ro tài chính ước tính 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm.
Ngoài ra, "nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này, cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo. Và hậu quả là một chu kỳ phá sản mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi” - ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC, cho biết.
Do đó, GWEC kiến nghị Chính phủ gia hạn biểu giá FIT để hỗ trợ cho các dự án điện gió.
GWEC không phải là đơn vị đầu tiên kiến nghị Chính phủ gia hạn biểu giá điện FIT.
Ngay khi dịch bắt đầu ổn định, nhiều hiệp hội trong nước và cả chính quyền địa phương cũng lên tiếng về vấn đề này.
Nhưng theo đại diện Cục điện lực và Năng lượng Bộ Công thương, chưa có việc xem xét hoặc kiến nghị Chính phủ gia hạn cho các dự án điện gió hưởng giá FIT sau ngày 31/10.
Tuy nhiên, thực tế là bằng cách nào đó, việc kiến nghị kéo dài thời gian biểu giá FIT hiện đang ngày càng giống với đề nghị "cứng" hóa biểu giá này trong mua điện từ các nhà máy điện gió.
Vấn đề là, việc áp dụng biểu giá FIT để thu hút đầu tư đã có tác dụng tăng mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng, đến mức vỡ quy hoạch điện VII.
Nhưng, hiện lại chưa rõ đầu tư điện gió phải đến quy mô nào, bao nhiêu MW, thì mới đảm bảo không cần áp dụng biểu giá FIT. Trong khi thực tế với giá mua điện gió hiện nay quy định tại FIT, EVN vẫn đang phải bù lỗ khi bán cho các hộ sử dụng cuối nguồn.
Do đó, việc áp dụng FIT tiếp hay không vẫn đang bỏ ngỏ.