Gói phục hồi kinh tế: Tiêu 800.000 tỷ đồng sao cho không “tắc”, đi lạc

Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.

Nội dung chủ chốt là đề xuất về gói phục hồi kinh tế với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 35 tỷ USD. Thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2023.

Quy mô thực lớn hơn nhiều

Cần lưu ý, trong năm 2021, Chính phủ đã thiết kế và áp dụng các gói hỗ trợ, lấy từ nhiều nguồn, với quy mô khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương khoảng 2,85% GDP.

Mức độ hỗ trợ này được đánh giá là thấp, nên chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp trong khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Để so sánh, có thể dẫn thông tin về việc nhiều quốc gia đã bơm những gói quy mô rất lớn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, duy trì nền kinh tế không rơi vào khủng hoảng.

Trong top các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã chi tới 6,1% GDP quốc gia này để hỗ trợ nền kinh tế (GDP Trung Quốc là 14,72 nghìn tỷ USD).

Tương tự, Mỹ chi các gói hỗ trợ lên tới 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP.

Trong khi đó, với quy mô GDP năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, dự kiến nếu tăng trưởng đạt từ 2,8 - 4,8%, thì GDP năm 2021 của Việt Nam cũng chỉ trong quãng trên dưới 300 tỷ USD.

Có nghĩa, nếu áp dụng, gói khôi phục kinh tế 35 tỷ USD sẽ chiếm chưa tới 10% GDP năm 2021 của Việt Nam, vẫn ở mức thấp so với nhiều nước có quy mô kinh tế lớn hơn Việt Nam.

Về bản chất, gói hỗ trợ khôi phục kinh tế là tăng ưu đãi, đặc biệt là bơm thêm nhiều tiền hơn ra nền kinh tế, giúp các thành phần dễ tiếp cận với vốn hơn, để từ đó hồi phục sản xuất, thương mại nhanh hơn.

Nhìn từ giác độ này sẽ thấy, với việc nếu có thêm gói 35 tỷ USD khôi phục kinh tế, thực chất quy mô bơm vốn của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nhiều.

Vì phải cộng thêm cả phần tăng đầu tư công cứu tăng trưởng, thêm phần đã hỗ trợ (trên 10 tỷ USD). Chưa kể các chỉ tiêu chi trong 2 năm 2022 và 2023 sắp tới.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2020, giải ngân đầu tư công thực hiện được là hơn 466.000 tỷ đồng (kế hoạch là 600.000 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025, tổng quy mô kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2,87 triệu tỷ đồng.

Điểm cần lưu ý ở đây là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong lĩnh vực đầu tư công, ý chí chỉ đạo của Chính phủ đã giúp việc giải ngân vốn đầu tư công có tăng, nhưng vẫn không đạt kỳ vọng.

Thậm chí là nhiều bộ ngành, địa phương còn trả lại vốn do không kịp thực hiện.

Trong khi đó, tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp FDI không phụ thuộc nhiều, hay cần cứu trợ từ Chính phủ, mà phụ thuộc vào sự hồi phục của chuỗi cung ứng và thị trường thế giới.

Lãi suất cho vay của Việt Nam luôn cao hơn nhiều nền kinh tế phát triển, do vậy ngay trong trạng thái bình thường các doanh nghiệp FDI cũng ít phụ thuộc vào dòng vốn tại Việt Nam.

Diện cần hỗ trợ, do thế, thu lại ở các doanh nghiệp trong nước và khu vực dân cư, cả hai đối tượng này đã kiệt sức sau 2 năm dịch bệnh hoành hành.

Với khu vực dân cư, điều cần thiết nhất là công việc, thu nhập và những khoản hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để phục vụ nhu cầu thường nhật.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước thì cần được khoanh nợ đã thành xấu do giãn cách xã hội và được vay tiếp để tái sản xuất.

von-cong.jpg
Cơ chế bó chặt khả năng sử dụng vốn mới là mối lo lớn nhất. Ảnh minh họa

Canh chừng vốn bị tắc, đi lạc

Các chuyên gia kinh tế lạc quan đã tạm đoán định, gói phục hồi kinh tế tới 800.000 tỷ đồng sẽ đóng vai trò “vốn mồi” trong đầu tư công, kích thích tăng trưởng, tạo việc làm…

Từ đó, giúp huy động lượng vốn gấp khoảng 4 - 5 lần quy mô gói khôi phục (tương đương 4 triệu tỷ đồng) để tăng tốc hồi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Tức là, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng ngoài các kế hoạch hiện hữu, để gia tăng thêm các cơ hội phát triển.

Khi thực hiện chương trình khôi phục, Bộ KH&ĐT nhận định tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) đạt khoảng 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 7%/năm).

Mặt khác, theo Bộ KH&ĐT, việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình này sẽ làm nợ công có tăng lên, nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT cho biết, quy mô nợ công theo các kịch bản tại dự thảo đề án chương trình hỗ trợ kinh tế vào khoảng 47% năm 2022, và 49% năm 2023.

Tuy nhiên, để đảm bảo dòng vốn khôi phục phát huy hiệu quả, điều cần thiết hơn cả gói khôi phục này, lại được quyết định bởi khả năng xử lý, tháo gỡ các nút thắt thể chế hiện nay Việt Nam đang gặp phải.

Trong đó, thực tế các tỉnh, bộ ngành trả lại vốn đầu tư công đều có lý do được báo cáo, là từ việc không xử lý được các mâu thuẫn chính sách.

Tại khối ngoài nhà nước, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn chưa được đánh giá là tốt. Trong thực tế này, việc nới điều kiện cho vay không giải quyết được cho yêu cầu đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Mà chỉ góp phần lớn làm gia tăng thêm nợ xấu.

Ở giác độ phản biện, có thể nhận xét giá đất tăng cao và neo ở mức cao, giá vàng lên cao nhất mọi thời đại, thị trường chứng khoán vượt đỉnh 1.500 điểm chỉ trong vài tháng… cũng phần nào cho thấy dòng vốn đầu tư ngoài nhà nước và trong dân cư đang “mất phương hướng”, phải tìm tới các tài sản ẩn nấp. Hoặc dòng vốn đang bị lợi dụng để “lướt sóng”, thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh.

Không quá bất ngờ khi chính Bộ Xây dựng xác nhận, trong nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở năm 2021, có nguyên nhân từ cản trở của chính sách.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia còn nhận xét nguồn cung bất động sản giảm sút là do luật lệ chồng chéo.

“Tuy nhiên, theo tôi còn nguyên nhân khác là có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án” - ông Nghĩa nhận định.

Do đó, đảm bảo vốn được đến đúng đối tượng cần, thậm chí, sẽ quan trọng hơn cả quy mô gói khôi phục kinh tế sắp được thành hình.

Ngay trong điều kiện bình thường, việc vốn bị tắc hay đi lạc đã là thực thế.

Vì thế, trong điều kiện bơm vốn vũ bão sắp tới, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì về một cam kết chính sách, giúp đảm bảo lượng vốn lớn nhất sẽ đến đúng địa chỉ đối tượng cần, thay vì đi lạc vào đầu cơ đất, hay thành tài sản riêng của một nhóm lợi ích.

 Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỷ đồng (khoảng gần 35 tỷ USD).

Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể.

Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên.

Sau đó là nguồn phát hành Trái phiếu Chính phủ. Và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết

Bên cạnh đó là nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top