Gỗ hóa thạch không phải đá quý

GS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý và trang sức cho biết, gỗ hóa thạch không nằm trong danh mục đá quý và xuất hiện khá phổ biến tại một số vùng của Việt Nam.

Gỗ vùi trong silic là gỗ hóa thạch

GS Phan Trường Thị cho biết, gỗ hóa thạch là cây gỗ bị chôn vùi dưới lòng đất trong khoảng thời gian từ 4-12 triệu năm. Trong quá trình phát triển địa chất, khi cây bị chôn vùi xuống lòng đất thì biến thành than đá. Trường hợp gặp điều kiện thuận lợi như trong đất có dung dịch silic (SiO2) thì nó sẽ tẩm vào các thớ cây, khiến cho cây cứng như đá. Độ cứng của gỗ hóa thạch ngang với mã não.

Việt Nam có 2 vùng thường xuất hiện gỗ hóa thạch là Lạng Sơn và Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên cách đây từ 4 đến 12 triệu năm, các trận núi lửa tràn qua các rừng cây làm chôn vùi hầu hết những cánh rừng này. Trong dung nham của núi lửa có silic. Một số cây không bị đốt cháy mà được tẩm loại dung nham này nên biến thành gỗ hóa thạch. Ngày nay, người ta tìm thấy nhiều gỗ hóa thạch ở trong các lớp bùn đỏ. Sau mỗi trận mưa hoặc lũ, thỉnh thoảng lại trồi ra vài khúc gỗ hóa thạch này.

Một vùng khác xuất hiện hàng nghìn cây gỗ hóa thạch là mỏ than Na Dương (Lạng Sơn). Đây là vùng than đá khá đặc biệt, đó là loại than Lửa dài (khi đốt lên thì ngọn lửa dài hơn các loại than thông thường khác). Trong các vỉa than đá này xuất hiện rất nhiều cây gỗ không biến thành than mà đã hóa thạch. Có những cây đường kính cao đến vài mét. Người ta bán với giá khá phổ biến là một vài triệu đồng mỗi cây.

Không có giá trị tâm linh

Theo GS Phan Trường Thị, việc xuất hiện gỗ hóa thạch ở Phú Yên có thể là một phát hiện mới nhưng nó không làm cho gỗ hóa thạch có những giá trị tâm linh thần bí hay có tác dụng nào đó cho sức khỏe. Nhiều người cho rằng chúng có tác dụng thần bí nên bỏ ra nhiều tiền để mua bằng được một mẩu gỗ hóa thạch về để trong nhà. Đây là quan niệm sai lầm và không có căn cứ khoa học.

Gỗ hóa thạch rất cứng, có thể sử dụng làm đồ mỹ nghệ. Với những khúc to, người ta có thể cưa ra làm bàn, ghế vì nó không bị mưa gió hay thời tiết làm cho hư hỏng, mục nát.

Về lý thuyết, nếu ngâm gỗ trong dung dịch silic trong vài triệu năm thì nó cũng sẽ biến thành gỗ hóa thạch. Nhưng không ai đi làm như vậy vì chi phí cho một cây gỗ sẽ rất đắt. Theo GS Phan Trường Thị thì việc nhặt được hoặc tìm thấy một cây gỗ hóa thạch có đường kính 50m và cao 1,2m không phải là hiếm. Hiện tại Viện Địa chất và Bảo tàng Địa chất, người ta cũng trưng bày những cây gỗ hóa thạch có đường kính lên đến vài mét.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top