Dạy trẻ 4 tuổi trở lên
Vụ việc người đàn ông lớn tuổi xâm hại tình dục nhiều trẻ em ở Vũng Tàu khiến dư luận bất bình trong suốt thời gian qua. Rồi mới đây, một giáo viên ở Hoài Đức (Hà Nội) bị tố xâm hại tình dục 9 học sinh lớp 3. Vụ việc đang được làm rõ. Làm thế nào để bảo vệ con em mình trước những tên “yêu râu xanh” là vấn đề đặt ra với hàng triệu gia đình.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn kỹ năng sống Hạnh Phúc cho biết, ở lứa tuổi thiếu niên, việc giáo dục giới tính đã khó, thì tuổi mầm non, thiếu nhi, giáo dục lại càng khó hơn. Với trẻ từ 4 tuổi trở xuống, cha mẹ bắt buộc phải là người bảo vệ, bao bọc trẻ do trẻ chưa thể nhận thức được đầy đủ hành vi của người khác lên cơ thể mình. Còn với trẻ từ 4 tuổi trở lên, cha mẹ phải trang bị cho con những kiến thức cần thiết để bảo vệ chính mình.
TS Vũ Thu Hương – khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trẻ 4 tuổi, thậm chí là 3 tuổi đã phải dạy kỹ năng này. Việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cần lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ. Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình.
Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu. Thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân. Không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng. Đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối…
Dùng truyện tranh đọc hàng ngày cho trẻ
Khó nhất trong giáo dục chống xâm hại cho trẻ là lứa tuổi còn quá nhỏ. Trẻ chưa vào lớp 1, chưa nhận thức được nhiều về xã hội. Bà Lê Thị Túy cho rằng, để giáo dục trẻ lứa tuổi này, không gì hiệu quả bằng sử dụng truyện tranh đọc cho trẻ hàng ngày.
Những cuốn truyện mô tả những kẻ xâm phạm cơ thể trẻ với hình thù gớm ghiếc, đáng sợ, sẽ khiến chúng có phản xạ với bất kỳ người lạ nào động vào cơ thể mình.
Tuy nhiên cũng phải tùy vào đặc điểm của từng đứa trẻ để dạy. Mẹ là người gần gũi và dạy trẻ những điều này hiệu quả nhất. Với mỗi giới lại có cách dạy về giới tính khác nhau. Việc lặp đi lặp lại các bài học hàng ngày sẽ khiến trẻ hình thành ý thức bảo vệ bản thân mình.
“Cha mẹ có thể mua những cuốn sách dạy trẻ, những cuốn truyện tranh sinh động hấp dẫn… thu hút sự chú ý của trẻ. Phải dạy trẻ ý thức được rằng cơ thể mình là một thứ bất khả xâm phạm với người lạ. Để chúng hiểu những chỗ nào trên cơ thể cần được bảo vệ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giáo dục giới tính cho trẻ là một việc rất khó, cần kiên nhẫn”, bà Lê Thị Túy cho biết.
Những dấu hiệu để nhận biết con có bị xâm hại tình dục đó là hoảng hốt, sợ hãi, đôi khi các cháu gần như tê liệt cảm xúc vì quá tổn thương. Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục. Với trẻ đã đi học, cha mẹ phải dạy con có thói quen thường xuyên chia sẻ tình huống, câu chuyện ở lớp học, các vấn đề trong cuộc sống khi về nhà.
“Trong giáo dục, cha mẹ cũng nên làm gương cho con cái. Không có những hành động quá thân mật trước mặt con trẻ, không tự ý sờ vào những chỗ nhạy cảm của trẻ không phải con mình. Đồng thời, không cho trẻ tiếp xúc sớm với những bộ phim của người lớn, tránh tình trạng bắt chước phim ảnh”, bà Lê Thị Túy.
Bảo Khánh