Giữ thai điều trị ung thư hay sau điều trị mới mang thai?

Việc mang bầu luôn là một sứ mệnh rất cao cả của người phụ nữ. Nhưng mang bầu khi trong mình đã và đang có khối u, khiến tất cả đều rất bối rối. Vậy phải làm sao?

Hỏi: Hiện em rất phân vân khi phát hiện mang thai đồng thời với ung thư. Em rất ngưỡng mộ nhiều người bị ung thư sinh con nhưng rất lo lắng không biết xử lý thế nào? Điều trị ung thư sau bao lâu có thể sinh con?

Nguyễn Thị Thủy (Hải Dương)

Giữ thai điều trị ung thư hay sau điều trị mới mang thai? ảnh 1

Giữ thai điều trị ung thư hay sau điều trị mới mang thai?

Nhiều mẹ bầu phát hiện ung thư

Trao đổi về vấn đề này, BS Hà Hải Nam, bệnh viện K cho biết, trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng thường gặp các trường hợp như vậy.

Có buổi tình cờ bác sĩ gặp được 3 người bệnh khá đặc biệt: đó là 2 mẹ bầu và 1 mẹ bỉm sữa sau sinh con được 3 tháng.

Với người bình thường, việc mang bầu luôn là một sứ mệnh rất cao cả của người phụ nữ. Nhưng mang bầu khi trong mình đã và đang có khối u, khiến tất cả đều rất bối rối: liệu em bé và mẹ có bị đe dọa tính mạng hay không?

Thực tế đã có không ít trường hợp được coi là “cổ tích giữa đời thường”. Tuy nhiên, về khía cạnh y học, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã khuyến cáo rằng: “Không nên mang thai khi đang chữa trị ung thư”. Vì sao vậy?

Bị ung thư trong thời gian mang thai không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe mẹ mà còn ảnh hưởng tới cả em bé. Những hệ luỵ không mong muốn mà mẹ bầu bị ung thư phải đối mặt trong thời gian thai kỳ như:

- Sức khoẻ giảm sút nhanh chóng, người mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, đi lại khó khăn,tay chân phù nề.

- Nguy cơ khối u phát triển nhanh, gây suy giảm chức năng của: não, tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu,...và dẫn đến các nguy cơ: tắc mạch phổi,tắc ruột, thủng ruột, nhiễm trùng huyết….cực kì nguy hiểm

Bên cạnh đó, ung thư còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Đó là:

- Thai nhi kém phát triển, nguy cơ sảy thai, sinh non, con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

- Tổn thương các cơ quan như: tim, phổi, gan, thận,...dẫn đến suy chức năng các cơ quan này khi bé chào đời.

Một vấn đề nữa, đó là nếu mang bầu khi mắc Ung thư, mẹ sẽ phải trì hoãn hoặc ngừng các biện pháp điều trị bệnh, khiến tính mạng người mẹ bị đe doạ. Chưa kể, một số loại ung thư đặc biệt (như K vú chẳng hạn) sẽ dẫn đến sự thay đổi của hormone và gây hậu quả rất xấu (kích thích ung thư phát triển).

Vậy mang thai sau quá trình điều trị ung thư thế nào:

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phụ nữ không nên mang thai trong 6 tháng đầu sau khi kết thúc hóa xạ trị, mà nên đợi từ 2-5 năm để chắc chắn ung thư không tái phát trước khi quyết định có con.

Bởi vì, sau quá trình điều trị, trứng “hư hại do hoá xạ trị” cũng như các tế bào ung thư vẫn có thể còn tồn tại trong cơ thể, phải mất ít nhất 6 tháng để “thanh lọc” hầu hết các yếu tố hư hỏng và có hại này ra khỏi cơ thể người bệnh.

Do đó, đa số người bệnh sau hoá xạ trị (cả phụ nữ và đàn ông) đều được khuyên nên sử dụng các phương pháp tránh thai cho đến thời điểm 2 năm sau khi dừng các biện pháp điều trị.

“Cho dù nền y tế nước nhà đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, mang lại thật nhiều niềm tin và hi vọng, tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức chú trọng tới công tác dự phòng và kiểm soát bệnh tật, vì chuyện “cổ tích giữa đời thường” không thể lúc nào cũng có thể được viết nên.

Mong ước của con người và giới hạn của khoa học không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau. Bởi thế cho nên, “phòng vẫn hơn chống” – Bác sĩ Hà Hải Nam nhấn mạnh

Theo Đời sống
back to top