|
Từ năm 1995 - 2000, nhà địa chất học Tony Yeates suy đoán mô hình từ trường bên dưới lưu vực Murray ở bang New South Wales, Australia nhiều khả năng đến từ một cấu trúc va chạm đồ sộ bị chôn vùi. Phân tích mới đây dựa trên dữ liệu địa vật lý thu thập trong giai đoạn năm 2015 - 2020 của các chuyên gia xác nhận sự tồn tại của cấu trúc khổng lồ rộng 520 km ẩn sâu dưới 4.000m trầm tích. |
|
Cấu trúc này vượt xa kích thước của miệng hố va chạm Vredefort rộng gần 300m ở Nam Phi, hiện nay là miệng hố va chạm lớn nhất thế giới. |
|
Dựa vào hình dáng, nhóm nghiên cứu nhận định cấu trúc dưới lòng đất có tên Deniliquin, đặt theo thị trấn ở gần đó, là dấu tích của một vụ va chạm cổ đại. |
|
Dữ liệu từ trường của khu vực trên cho thấy bề mặt đối xứng đồng tâm, nhiều khả năng hình thành bởi nhiệt độ cực cao thường gặp trong vụ va chạm. Vắt ngang qua hình dạng bề mặt đó là từ trường dị thường. |
|
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là chuyên gia Andrew Glikson và Tony Yeates ở Đại học New South Wales cho biết đó là vết nứt gãy tỏa ra từ điểm va chạm và đường rãnh của đá nóng chảy bắn vào khe nứt ở tầng đá gốc từ trước. |
|
Khảo sát địa chấn cũng hé lộ một vòm trung tâm, đặc trưng của miệng hố va chạm lớn. Vụ va chạm thiên thạch làm mặt đất lõm xuống. Thế nhưng, sau đó mặt đất đùn lên, tạo thành mô đất lớn như ngọn núi ở trung tâm. |
|
Thông qua trầm tích bao phủ cấu trúc, nhóm nghiên cứu suy đoán một thiên thạch từng đâm xuống Trái đất ở gần xích đạo cách đây 440 - 500 triệu năm. |
|
Để xác nhận nguồn gốc thiên thạch và niên đại của cấu trúc Deniliquin, các nhà khoa học sẽ cần thu thập các mẫu đá bên trong miệng hố. |
|
Việc tìm thấy bằng chứng địa chất như khoáng chất chỉ ra đời trong điều kiện cực hạn của va chạm thiên thạch hoặc hoa văn rạn nứt trên đá có thể giúp các nhà khoa học chứng minh giả thuyết về vụ va chạm. |
Mời độc giả xem video: Nguồn gốc bí ẩn của thiên thạch boomerang đầu tiên trên thế giới.