Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới (1972-2022) và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022), UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”.
Những giá trị đặc sắc nổi bật
Sau 20 năm, mới đây các nhà sử học, khảo cổ học trong nước và quốc tế đã có dịp nhìn lại những giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng bày tỏ: Từ những nhát cuốc đầu tiên đầy cẩn trọng nhưng cũng tràn đầy hy vọng, các nhà khảo cổ học đã mở ra những trang sử bất ngờ trong lòng đất. Những phát hiện khảo cổ học đột phá tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.
Theo Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, các cuộc thám sát và khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên đã xác định được tầng văn hóa khá đầy đủ có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XIX-XX cùng các dấu tích kiến trúc qua các thời kỳ tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê sơ… Việc này đem lại nguồn tư liệu xác thực góp phần tích cực vào việc xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, bảo tàng Hoàng cung Thăng Long… cũng như các phương án phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của kinh đô Thăng Long.
Hàng triệu di vật, những báu vật nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội được tìm thấy, đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại, cho thấy cả chặng đường nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học để từng bước nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu giá trị di sản và bảo tồn lâu dài cho thế hệ mai sau.
Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thể là địa chỉ đi đầu trong việc tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ; góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2022, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Niềm tự hào của Thủ đô
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất ở Việt Nam có Hội đồng tư vấn khoa học cụ thể. Ý kiến của các nhà khoa học sẽ là lời khuyên cho tất cả các quyết định về di sản, từ đó sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc Hoàng thành Thăng Long.
Theo Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao Phạm Vinh Quang, Hoàng Thành Thăng Long được xem như một hình mẫu về sự phối hợp giữa Thành phố, Ban quản lý với các chuyên gia, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những nỗ lực trong 20 năm qua của thành phố Hà Nội nói chung và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói riêng trong công tác trùng tu, gìn giữ khu di sản đã đạt được những thành tựu rất tự hào.
Hiện nay, công tác quản lý Di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam mong rằng các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong nước và quốc tế cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và bài học quý giá để tháo gỡ những rào cản, xây dựng chính sách tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hoàng Thành Thăng Long.
PGS-TS Tống Trung Tín cũng đề xuất: “Từ giá trị to lớn của khu di sản, tại hội nghị quan trọng này, giới khảo cổ học Việt Nam trân trọng kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam và UBND TP.Hà Nội. Kiến nghị UNESCO, ICOMOS cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu di sản, nhất là tại khu vực trung tâm (không gian Chính điện Kính Thiên) để làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long”.
TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ về các cơ sở tư liệu khoa học và đề xuất các phương án phù hợp nhằm khôi phục một cách hữu hiệu khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn một công viên lịch sử, nơi giáo dục truyền thống, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà nghiên cứu đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2027, tầm nhìn 2035 và các giải pháp quản lý, phát huy giá trị di sản HTTL - Hà Nội trong giai đoạn tới.