Giá thép tăng cao: Khi quản lý bất lực trước nạn đầu cơ kiểu du kích

(khoahocdoisong.vn) - Lượng thép trên thị trường không thiếu, không phải giá tăng do nguồn cung thiếu hụt. Thực tế thì mua bao nhiêu thép cũng đủ nhưng giá lại tăng. Thép tăng giá đã trở thành "động lực" chính kéo các mặt hàng vật liệu xây dựng khác... tăng giá theo.

Lý do to hơn mục đích

Chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 - 50%. Cụ thể, đối với thép tròn (dùng làm bê tông cốt thép) cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến tuần qua lên 18,5 triệu đồng/tấn và đầu tuần này lên tới 19 triệu đồng/tấn.

Thép hình và thép tấm (xây dựng các nhà máy) còn tăng cao hơn. Nếu như đầu năm nay mặt hàng thép này có giá 15 - 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 - 25 triệu đồng/tấn, tăng 66%.

Trong nửa đầu tháng 5/2021, một loạt thương hiệu thép đã có thông báo thay đổi giá thép xây dựng. Tập đoàn Hòa Phát đã có điều chỉnh giá sản phẩm thép cây và thép cuộn các loại đều tăng 500.000đ/tấn (chưa bao gồm VAT) từ ngày 12/5/2021. Tập đoàn Hoa Sen cũng thông báo tăng giá thép dây mạ, ống thép mạ kẽm 500đ/kg, ống kẽm nhúng nóng, ống thép đen tăng giá 1.000đ/kg kể từ ngày 16/5/2021.

Lý giải nguyên nhân tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong khi các DN sản xuất thép Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi giá thép trên thị trường thế giới tăng giá, đồng thời chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì sẽ áp lực lên giá thép trong nước, gây ra tình trạng tăng giá này.

Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng khẳng định, lũy kế 4 tháng qua, lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng là 1,35 triệu tấn, trị giá là 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với tháng trước. Do giá thép tăng cao, nên dù lượng nhập giảm nhưng giá trị vẫn tăng.

Tuy nhiên, chính Bộ Công Thương cũng cho biết, năng lực thị trường trong nước sản xuất được khoảng 14 triệu tấn thép xây dựng, trong khi nhu cầu thép xây dựng trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn. Như vậy, cung hoàn toàn đáp ứng đủ cầu mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 10,48 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 9,84 triệu tấn, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được hơn 2,1 triệu tấn thép trong 4 tháng đầu năm, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ghi nhận trên kết quả báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thép đều cho thấy các doanh nghiệp thép đã lãi đậm trong thời gian qua, nguyên nhân trực tiếp là hưởng lợi kép từ tăng giá bán. 

Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên cho biết, doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 120 tỷ đồng. Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu  đạt 8.680 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 245 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với quý I/2020. Hòa Phát cũng báo lãi trước thuế 7.690 tỷ đồng trong quý 1/2021, tăng trưởng 189,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Hầu hết những doanh nghiệp này đã tận dụng được lượng hàng tồn kho trước đó nên giá vốn không bị tăng nhiều, đưa lợi nhuận gộp tăng trưởng gấp đôi.

Thêm vào đó, thời gian qua, các doanh nghiệp thép dù lớn hay nhỏ đều gia tăng đáng kể lượng hàng tồn kho 5 - 10% so với thời điểm đầu năm, thậm chí Hoa Sen còn tăng 2.218 tỷ đồng hàng tồn kho (tương đương tăng 73%). Thép Tiến Lên tăng 26% lượng hàng trong kho. Lượng hàng tồn kho của Hòa Phát cũng tăng khá, chiếm tới 44% tài sản ngắn hạn của công ty.

Lưu ý rằng, với mặt hàng thép, hợp đồng chốt giá thường trước 2 tháng so với thời điểm chuyển hàng. Tức là nếu giá thép trên thế giới biến động mạnh, thì giá thép trong nước cũng phải sau một thời gian mới bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đều dự trữ lượng nguyên liệu (quặng, phế liệu) khá lớn và đang tiếp tục gia tăng dự trữ, năng lực sản xuất vượt năng lực tiêu thụ, thì việc tăng giá thép ở đây có biểu hiện đầu cơ, hơn là do ảnh hưởng từ giá thép trên thế giới.

Té nước theo mưa

Đồng thời với tăng giá thép, giá các loại vật liệu cũng “leo thang” từng ngày. Một chủ đại lý vật liệu xây dựng ở Hoàng Mai cho biết, giá xi măng Bỉm Sơn từ các đại lý cũng chính thức tăng 30.000đ/tấn, một số loại khác cũng tăng mức tương đương hoặc tăng đến 40.000đ/tấn; nhìn chung giá xi măng dao động từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/tấn, gạch ốp các loại tăng 5.000đ/m2…

Tại thị trường miền Trung, xi măng Công Thanh điều chỉnh tăng 30.000đ/tấn (bao gồm thuế GTGT), xi măng Hoàng Long, Xuân Thành (loại bao và rời), Duyên Hà điều chỉnh tăng 40.000đ/tấn; xi măng Bỉm Sơn (bao PCB30 và PVB40), xi măng Vicem Hoàng Mai tăng 30.000đ/tấn, xi măng Long Sơn điều chỉnh tăng 40.000đ/tấn...

Không chỉ xi măng, giá gạch tại thị trường miền Trung cũng được đà tăng. Gạch của Công ty gạch Tuynel Huế tăng 400 - 600đ/viên so với giá đầu năm nay, từ 1.700đ lên 2.100đ/viên gạch đặc và gạch lỗ từ 2.400đ lên 3.000đ/viên.

Việc giá các mặt hàng xây dựng khác liên tục tăng có thể xem như một màn “té nước theo mưa”, bởi nếu thép chịu sự điều chỉnh của thị trường thế giới, thì đối với các loại mặt hàng vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch, cát từ lâu thị trường trong nước đã tự sản xuất được và công suất cũng đã vượt xa nhu cầu.

Hơn nữa, trong thời gian qua, chi phí đầu vào để sản xuất vật liệu xây dựng như giá điện, than và các nguyên vật liệu khác cũng không có biến động lớn.

Rõ ràng, giá thép tăng do đầu cơ đã tạo cơ hội tăng giá cho nhóm hàng vật liệu xây dựng. Điều này đang kéo theo sự sốt giá ảo trong nhóm hàng này. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi thép tăng giá, nên sốt ảo này khá mong manh và có thể xẹp bất cứ lúc nào. Nhất là trong bối cảnh giá thép trên thị trường thế giới tăng giảm khá thất thường và chịu sự điều chỉnh mạnh của Trung Quốc – quốc gia có nhu cầu và sản lượng sắt nhiều nhất thế giới.

Mới nhất, trong ngày giao dịch 19/5, giá thép kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm 5,6% xuống 5.309 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng, dùng trong chế tạo, cũng giảm 5,2% xuống 5.678 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/4. Giá các loại nguyên liệu sản xuất thép cũng giảm khá mạnh, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.193 CNY/tấn lúc kết thúc phiên giao dịch; than luyện cốc giảm 1,7% xuống 1.927 CNY/tấn; trong khi than cốc giảm 2,8% xuống 2.572 CNY/tấn.

Tất nhiên, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu thực hiện các biện pháp để điều chỉnh giá thép, để từ đó ngõ hầu kéo giảm giá các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, để xảy ra tăng giá trong thời gian ngắn như vậy vẫn thể hiện tính thiếu chuẩn bị của các cơ quan quản lý đối với nguy cơ tăng giá. Mà "nhờ" sự thiếu chuẩn bị này, thì nguy cơ mọi loại sản phẩm tại Việt Nam đều có khả năng tăng giá bất thường, trong thời gian ngắn.

Theo Đời sống
Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth là thiết bị công nghệ được sử dụng rộng rãi bởi sự tiện dụng và những tính năng tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt.
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top