Gia tăng trẻ nhập viện do nhiễm virus RSV: Bác sĩ khuyến cáo gì?

Để phòng tránh lây nhiễm virus hợp bào hô hấp cần phải giảm tiếp xúc, tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ; tránh cho trẻ tiếp xúc với các bé đang có biểu hiện ho, khò khè;...

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu - đông hoặc xuân - hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Trao đổi trên báo chí, BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh – Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết tỷ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào trong Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh của bệnh viện ở thời điểm hiện tại chiếm khoảng ¼ số bệnh nhi (khoảng 15 trẻ). Trong đó, có hai trường hợp là trẻ sinh đôi mới hai tháng tuổi, bị biến chứng nặng suy hô hấp đang phải thở oxy.

Trẻ mắc bệnh do virus RSV thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác - Ảnh: Báo Tin tức

Trẻ mắc bệnh do virus RSV thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác - Ảnh: Báo Tin tức

Bác sĩ cũng cho biết, đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở oxy hỗ trợ. Trường hợp bị suy hô hấp đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1-2 tháng tuổi.

"Virus RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém. Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá khó khăn. Dù không phải là một loại virus mới nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, virus này gây bệnh nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Virus hợp bào hô hấp gây suy giảm hệ miễn dịch, và hiện chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu. Chúng tôi chỉ có thể tập chung điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho các bé. Virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác cũng như với các vi khuẩn, chính vì vậy nhiều trường hợp trẻ phải dùng thêm kháng sinh để điều trị", BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang thông tin.

Cũng theo bác sĩ Sang, virus RSV xuất hiện chủ yếu vào mùa đông – xuân, lây rất nhanh vì dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra, qua các dịch tiết của đường hô hấp… nên tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã sắp xếp bệnh nhi cùng bệnh lý do virus RSV ở chung một phòng để tránh tình trạng lây chéo cho trẻ.

Theo bác sĩ Sang, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ hai ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được thăm khám sớm hơn.

"Hiện chưa có thuốc đặc hiệu đối với nhiễm trùng do RSV. Các bác sĩ vẫn áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, hỗ trợ, nâng cao thể trạng. Trường hợp nguy cơ cao diễn biến nặng, người dân nên tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng vào mùa dịch; tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt; áp dụng nguyên tắc 5K", bác sĩ Sang khuyến cáo.

Để phòng tránh nhiễm virus RSV, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ ra ngoài, cần cho đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị ốm.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho bé tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi và ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top